PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó giám đốc VICAS, cho biết dự án có hai mục tiêu. Thứ nhất, tập huấn nhạc ca trù theo phương thức và cách tiếp cận mới. Ở đó, việc nhận diện đúng về khổ đàn, khổ phách là cơ sở để ca nương, kép đàn hiểu được cấu trúc âm nhạc của thể loại âm nhạc cổ điển này. Từ đó, quá trình truyền dạy vượt qua được khỏi cách thức mang tính kinh nghiệm. Thứ hai, phục dựng hát ả đào của người Việt, với các thể loại hát cửa đình đã bị thất truyền trong nhiều năm. Đây là quá trình được thực hiện với việc phân tích cách thức hát, đàn của gia đình danh cầm Đinh Khắc Ban, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để có thể phục dựng hát cửa đình của người Việt.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết ông bắt đầu dự án nghiên cứu âm luật nhạc ả đào từ 2014 cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ. Cuối năm 2016, VICAS đã cho xây dựng một dự án bảo tồn ca trù ở địa bàn Hà Nội. Từ tháng 2.2017, ông Hiền lấy nhóm ả đào Phú Thị làm đối tượng, dùng lý thuyết nghiên cứu thử nghiệm việc học nhạc đi kèm âm luật. Trước đây, việc học nghề ở giáo phường đều do truyền ngón nghề, truyền khẩu. Bây giờ, ông Hiền đã lý thuyết hóa để giúp đào kép chủ động học. Chuẩn mực nghệ thuật cũng được đưa ra với việc xác định các khái niệm rõ ràng về khổ đàn, khổ phách… Tháng 8.2017, đào kép tiếp tục phục dựng cách hát cửa đình cổ điển. Cùng tháng, một lớp quan viên ả đào đúng chuẩn mực cổ điển đã được tổ chức.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu và trình diễn, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, cho biết đây là công trình khoa học có giá trị giúp giữ gìn và phát huy di sản ca trù. Ông cũng đề nghị công trình nghiên cứu này mau chóng được Bộ VH-TT-DL in thành sách.
Bình luận (0)