Công bố tài liệu gốc về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva

05/04/2024 16:08 GMT+7

Nhiều tư liệu gốc có nguồn từ Việt Nam, Nga, Pháp… về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva được công bố.

Gần 200 tài liệu được công bố tại buổi giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 tổ chức tại Hà Nội ngày 5.4.

Công bố tài liệu gốc về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva- Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa ở Điện Biên Phủ

TL TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 3

Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 cho biết, đây là con số rất nhỏ trong hàng nghìn tài liệu lưu trữ với 14 km giá tài liệu đơn vị đang giữ gìn. Tài liệu, hình ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ và về Hội nghị Geneva năm 1954 bảo quản tại trung tâm là minh chứng quan trọng góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học về các sự kiện lịch sử, về quân sự, ngoại giao... và về lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa to lớn, góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, cho biết khối tài liệu này cho phép tái hiện hoàn cảnh lịch sử, quá trình chỉ đạo, chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến và kết quả, ý nghĩa của chiến dịch; quá trình quân dân cả nước phối hợp cùng chiến trường Điện Biên Phủ; dư luận và tình cảm bạn bè quốc tế; công tác hậu cần chiến dịch; chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa với các thương bệnh binh và các hàng binh; tài liệu về tinh thần lạc quan chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch…

Công bố tài liệu gốc về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva- Ảnh 2.

Những khẩu pháo nặng trên 2 tấn được kéo vào Điện Biên Phủ

TL TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 3

Trong khi đó, khối tài liệu lưu trữ về Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954 gồm những tài liệu, hình ảnh về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả hội nghị, tác động và quá trình thực thi hiệp định; dư luận thế giới đối với hội nghị… Trong số này có nhiều bản tuyên bố về lập trường, quan điểm của các bên tham gia, về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam… phản ánh một cách sinh động về diễn biến của hội nghị.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva (tháng 7.1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương, chấm dứt ách thống trị kéo dài của thực dân và mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Đông Dương. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Công bố tài liệu gốc về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva- Ảnh 3.

Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu (đứng giữa) dự mít tinh ở Pháp ủng hộ Việt Nam thi hành Hiệp định Geneva

TL TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 3

Lần đầu tiên, chính phủ Pháp và "mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ", "tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị" của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.