Theo kết quả SIPAS 2017, trung bình cả nước có 36,08% số người được hỏi không giải quyết công việc tại bộ phận một cửa và tỷ lệ này ở 63 tỉnh thành là từ 16,7 - 71,1%.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, mặc dù 63 tỉnh, thành triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng chính quyền điện tử và cung ứng dịch vụ công trực tuyến, thậm chí lên cấp độ 3 và 4, song kết quả SIPAS 2017 cho thấy, chỉ có 5,17% số người được hỏi trong cả nước tiếp cận thông tin về việc cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng internet. Trong khi đó, số người tiếp cận thông tin qua chính quyền xã là 71,92%.
Theo báo cáo, việc người dân đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1 - 2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 16,94% đi lại 3 - 4 lần.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5 - 6 lần và 2,47% đi lại từ 7 lần trở lên.
Khi xem xét từng tỉnh trong cả nước, có tỉnh đạt 95,36% số người được hỏi chỉ cần đi lại 1 - 2 lần để giải quyết công việc. Tuy nhiên, có tỉnh có 16,90% số người được hỏi phải đi lại 5 - 6 lần và có tỉnh có 7,3% số người được hỏi đi lại 7 lần trở lên.
Đáng nói, 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.
Tỉnh có số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhiều nhất là 7,3%, thấp nhất là 0,2%.
Một nửa số tỉnh có tỷ lệ người dân, tổ chức được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu nằm trong khoảng 0,2 - 2,99%; một nửa số tỉnh có tỷ lệ này nằm trong khoảng 2,99 - 7,3%.
Ngoài ra, 1,85% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định. Tỉnh xảy ra tình trạng công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài nhiều nhất là 4,30%.
Kết quả SIPAS 2017 cũng cho thấy, 91,7% số người dân, tổ chức được hỏi trả lời đã nhận được kết quả cung ứng dịch vụ của cơ quan hành chính nhà nước đúng hẹn, chỉ 5,9% trễ hẹn. Tuy nhiên, trong số này, chỉ 32,7% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn, 11,09% nhận được xin lỗi của cơ quan về sự trễ hẹn.
Mặc dù tỷ lệ trễ hẹn không lớn nhưng kết quả SIPAS 2017 cho thấy, có tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào về sự trễ hẹn trả kết quả, và không thực hiện bất kỳ lời xin lỗi nào về sự trễ hẹn trả kết quả với người dân, tổ chức.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cả nước là 80,90%
Báo cáo SIPAS 2017 cũng cho hay, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cả nước là 80,90%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh cao nhất là 95,75%, tỉnh thấp nhất là 67,70%.
|
Cụ thể, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung ở mức trên 90%, 12 tỉnh trong khoảng 85 - 90%, 13 tỉnh trong khoảng 80 - 85%, 19 tỉnh trong khoảng 75 - 80% và 13 tỉnh dưới 75%.
Khoảng cách chênh lệch về chỉ số của tỉnh cao nhất và tỉnh thấp nhất trong cả nước là 28%.
Theo cấp hành chính địa phương, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã nằm trong khoảng 80,34 - 81,93%, chênh lệch hơn 1%. Trong đó, cơ quan hành chính cấp xã có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất, cơ quan hành chính cấp huyện có chỉ số thấp nhất.
Báo cáo SIPAS 2017 cũng cho thấy, có tới 74,72% số người được hỏi mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; 56,22% số người được hỏi mong muốn mở rộng các hình thức thông tin; 41,49% số người được hỏi mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả SIPAS 2017 được thực hiện dựa trên việc khảo sát với hơn 30.000 người ở 63 tỉnh, thành phố.
Bình luận (0)