'Công chúa Hoàng Thị Thế' trên màn ảnh đến con nuôi tổng thống Pháp

03/11/2020 06:19 GMT+7

Năm 1927, Hoàng Thị Thế được đưa trở lại nước Pháp, cô được Albert Sarraut (lúc đó đã trở về chính quốc và là thượng nghị sĩ, Đại sứ toàn quyền các thuộc địa) giới thiệu như một công chúa. Cô trở nên nổi tiếng trong giới thượng lưu Pháp nhưng vẫn không quên nguồn cội của mình.

Trong hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu, Hoàng Thị Thế viết: “Nước Pháp, những năm tôi đã trưởng thành. Những năm của một thiếu nữ Việt Nam, người con của đất rừng Yên Thế đang sống xa Tổ quốc - quê hương. Những cuộc tiếp xúc, những bữa ăn và những cuộc đi đây đi đó ở nước Pháp và các nước Âu Tây, nhiều người đã biết tôi, bởi họ biết cha tôi và cuộc đề kháng ở Yên Thế từ lâu. Họ đến để chiêm ngưỡng giọt máu của Đề Thám - bà Ba Cẩn và rất nhiều cựu binh, quan lại Pháp ở Đông Dương về, ôn lại những kỷ niệm đẫm máu khó phai mờ…”.

Dấn thân vào điện ảnh

Năm 1930, Hoàng Thị Thế chính thức bước vào nghệ thuật thứ bảy khi cô được đạo diễn Louis Mercanton mời vào vai nàng công chúa Li-Ti trong bộ phim La Lettre (Bức thư) do Hãng Paramount sản xuất tại Paris (Pháp). Báo chí Pháp khi đó gọi cô là “Công chúa Trung Hoa”, còn cô tự xưng là “Công chúa Hoàng Thị Thế”.
Năm 1931, Paul Doumer trở thành Tổng thống Pháp. Ông trước đây là Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1897 - 1902) nên có biết Hoàng Hoa Thám và từng gặp cô bé Hoàng Thị Thế khi cô mới 6 tháng tuổi. Với cương vị Tổng thống Pháp, Paul Doumer trở thành cha nuôi của Hoàng Thị Thế, cô càng được giới thượng lưu châu Âu nể trọng.
Ngày 14.8.1931, Hoàng Thị Thế kết hôn với Jean Joseph Bernard Robert Bourgès (24 tuổi, người Pháp gốc Bỉ). Trên thiệp báo hỉ ghi (được dịch sang tiếng Việt): “Tổng thống nước Cộng hòa Pháp và ngài Albert Sarraut, vinh dự báo tin lễ thành hôn của con gái nuôi: Công chúa Hoàng Thị Thế...”. Trong một bức ảnh được lưu giữ cho thấy cô Hoàng Thị Thế với trang phục ngày cưới: đầu đội lúp trắng, khoác soiree trắng dài quét đất, hai tay ôm bó hoa lys cũng màu trắng - trông cô đẹp rực rỡ và kiêu sa. Cũng trong năm này, cô đóng bộ phim thứ hai là La donna bianca của đạo diễn Jack Salvatori.
Những người Việt có  số phận kỳ lạ: “Công chúa Hoàng Thị Thế” trên màn ảnh đến con nuôi tổng thống Pháp

Hoàng Thị Thế trong trang phục cưới

Ảnh: chụp từ hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu

Sơ cứu tổng thống Pháp bị ám sát

Ngày 6.5.1932, Tổng thống Paul Doumer bị một người Nga tên Gorguloff ám sát, Hoàng Thị Thế là người đã sơ cứu đầu tiên cho ông. Sự kiện này không chỉ khiến báo chí Pháp mà cả báo chí trong nước xôn xao. Cụ Phan Khôi viết trên tờ Trung lập (Sài Gòn, ngày 13.5.1932): “Trung lập một số vừa rồi có nói chuyện cô Hoàng Thị Thế ở Paris, trong khi quan Tổng thống Doumer bị ám sát có mặt cô ở bên cạnh, chính tay cô đã nâng đỡ cho người bị thương, làm máu me lấm hết cả áo (...). Thật như lời cô nói, quan Tổng thống chẳng là người ký Điều ước với ông Đề Thám; từ khi cô được sang Pháp, Ngài lại chăm nom mọi việc của cô; cho đến cô lấy chồng, Ngài cũng chủ hôn cho nữa (...). Tóm lại, cô Thế đối với ông Doumer chẳng khác nào cha con, nay Ngài mất đi, bảo sao cô chẳng đau đớn thảm sầu...”. Một ngày sau (14.5.1932), tờ L’Illustration (Pháp) đưa tin: “... Một nữ y tá tự nguyện, một công chúa An Nam, con gái đỡ đầu của ông Doumer, giúp đỡ chăm sóc người bị thương”.
Năm 1935, Hoàng Thị Thế sinh một con trai đặt tên là Jean Mari Bourgès. Sinh con xong, cô tiếp tục đóng phim Le secret de l’émeraude (Bí mật của lục bảo) của đạo diễn Maurice de Canonge. Năm 1940, Hoàng Thị Thế ly hôn Robert Bourgès và đi học nghề bói toán.
Năm 1959, trong một chuyến công du sang Pháp, bà Ngô Đình Nhu được sự ủy quyền của anh chồng là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mời Hoàng Thị Thế về Sài Gòn sinh sống, nhưng bà Thế đã từ chối. Năm 1960, với sự giúp đỡ của ông Phan Kế Toại (Phó thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), bà Hoàng Thị Thế trở về Hà Nội.
Một thời gian sau, bà Thế xin về Bắc Giang vì nhiều người thân của bà (ông Hoàng Văn Vy và con cháu) đang sống ở đây và bà đã viết cuốn hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu vào năm 1963 tại đây bằng tiếng Pháp (bản dịch Việt ngữ do Lê Kỳ Anh - tức nhà thơ Hoàng Cầm chuyển ngữ và Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản năm 1975).
Ngày 9.12.1988, bà Hoàng Thị Thế từ trần và được an táng tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang - nơi bà được sinh ra 87 năm về trước.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.