Khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND xã A Bung phụ trách văn hóa - xã hội, chàng trai này mới bắt đầu triển khai những “dự án” để hồi sinh thổ cẩm Pa Kôh đã ấp ủ bấy lâu nay. Được sự ủng hộ lãnh đạo địa phương, anh tập hợp và lập 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm Pa Kôh với gần 30 phụ nữ ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2, Ti Nê... Chị Hồ Thị Biên, cán bộ văn hóa xã A Bung, cho hay những người tham gia các tổ sản xuất đều được nhà nước dạy nghề từ trước đó. Thu nhập từ nghề dệt vải rất khá, mỗi tấm có giá 500.000 - 700.000 đồng. Họ có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, chỉ khoảng 3 - 5 ngày đủ hoàn thành 1 tấm vải. “Chỉ là lâu ngày không dệt nên... quên. Nay, chỉ cần động viên họ làm lại thì mọi thứ sẽ nhanh chóng đâu vào đấy”, chị Biên nói.
tin liên quan
Từ phận làm thuê trở thành 'ông chủ'Những tấm vải thổ cẩm Pa Kôh liên tục “ra lò”, anh Hiền cùng các đồng sự liền mang đến các hội chợ lớn nhỏ trong vùng để giới thiệu. Họ không bỏ qua cơ hội nào để khoe những tấm vải sặc sỡ với du khách. Cho đến một ngày, anh Hiền giật mình nhận ra: Muốn giới thiệu thổ cẩm Pa Kôh cho mọi người mà chính người Pa Kôh lại không mặc áo quần thổ cẩm, làm sao thuyết phục họ bỏ tiền ra mua?
Vậy là, phần vì để kích cầu mua sắm, phần muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống người Pa Kôh, công chức xã A Bung lần lượt may đồng phục thổ cẩm. “Nam thì mang áo, 300.000 đồng/bộ. Nữ mặc áo dài, 600.000 đồng/bộ. Xã không có kinh phí để chi trả những khoản này, nhưng mọi người vẫn tự nguyện bỏ tiền ra mua và ai cũng háo hức khi mặc, bất kể có phải là người Pa Kôh hay không”, anh Hiền nói. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Không cơ quan hành chính cấp xã nào trên địa bàn Quảng Trị lại có những trang phục truyền thống đẹp và nhận được nhiều lời ngợi khen như ở A Bung.
Trong năm 2019 này, ước vọng của anh Hiền là sẽ nhân rộng việc mặc trang phục thổ cẩm cho cán bộ cấp thôn, thậm chí đưa thổ cẩm Pa Kôh vào trường học cho các thầy cô giáo, học sinh cùng mặc.
“Thổ cẩm Pa Kôh càng phổ biến trong cộng đồng càng tốt, để chúng không chỉ xuất hiện trong những lễ hội dân tộc như A Rieu Ping, lễ mừng lúa mới, cưới hỏi... mà còn xuất hiện nhiều hơn trong đời sống. Bởi người Pa Kôh còn thì tấm áo đặc trưng của dân tộc không thể nào mất”, anh Hiền tự tin.
Bình luận (0)