Công chức “ngán” nhà nước?

20/05/2018 06:33 GMT+7

Trong một thời gian ngắn, Chủ tịch UBND H.Phú Ninh (Quảng Nam) đã phải ký quyết định thôi việc cho 3 cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc “Đề án 500” thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020.

Đây có thể là sự lạ với nhiều người, bởi trong bối cảnh cả nước còn đau đầu về việc tinh giản biên chế, việc “chạy” công chức. Thực ra, đây chỉ là điều bình thường trong một xã hội lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội đang vận động theo hướng tốt lên, tạo ra thêm nhiều cơ hội cho mọi người, ngoài việc bám chặt vào nhà nước.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực công đã không còn là “nơi trú ẩn” của những người chỉ đều đặn “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” để nhận lương; hoặc để chân trong chân ngoài, mượn tiếng làm việc cá nhân; hay tệ hơn, để buôn quan bán tước, chạy chức chạy quyền.
Vào nhà nước, cuối cùng không còn là một đặc quyền, là thứ bất cứ ai cũng khao khát, dù mức đãi ngộ chính danh là rất thấp. Xã hội rõ ràng lành mạnh hơn theo cách đó.
Sự chuyển động này cũng phù hợp với tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, để xây dựng được bộ máy “có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...”, thay vì những người chỉ vào đó tìm kiếm cơ hội.
Tuy nhiên, công chức rời bỏ nhà nước cũng có thể là một tín hiệu buồn, đặc biệt với những người tham gia các đề án mang tính chiến lược như “Đề án 500”. Nó cho thấy rằng, nhà nước đang mất đi ưu thế trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao với khu vực tư nhân.
Khi cuộc chiến chống tham nhũng bắt đầu nóng lên, đâu đó trùng với thời điểm Chính phủ mới được thành lập với thông điệp “liêm chính, kiến tạo”, một chuyên gia có tiếng đã lo ngại động lực cuối cùng để bộ máy vận động sẽ biến mất. Đó là “động lực” làm việc thì sẽ có “quà”, sẽ được “lại quả”, “bôi trơn”; chứ làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai, thì với đồng lương công chức eo hẹp, ai dại mới làm việc. Thế nhưng, trái ngược với lo ngại đó, mấy năm qua, bộ máy vẫn vận hành trơn tru, đều đặn.
Khi đẩy mạnh liêm chính thì đãi ngộ phải đảm bảo công chức đàng hoàng cũng có một cuộc sống đàng hoàng. Nếu không, việc công chức tiếp tục rời bỏ khu vực công sẽ là tín hiệu buồn, bởi đó sẽ là một quá trình chọn lọc ngược - tất cả những người có khả năng tìm kiếm cơ hội khác đều sẽ ra đi. Rõ ràng, đất nước không thể được dẫn dắt bằng những người lọt lại sau khi tinh hoa được chưng cất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.