Công chứng để 'lọt' giấy tờ giả, trách nhiệm thuộc về ai?

14/04/2020 06:39 GMT+7

Hàng loạt vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả chủ nhà để thực hiện thủ tục công chứng, chuyển nhượng nhà đất. Tuy nhiên, trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng ra sao, vẫn là việc gây nhiều tranh luận.

Vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của Văn phòng công chứng (VPCC) Lý Thị Như Hòa trong việc tổ chức hành nghề công chứng này không phải liên đới cùng bị cáo Trần Văn Lắm bồi thường 1,2 tỉ đồng cho người bị hại.

Tòa sơ thẩm buộc bồi thường, tòa phúc thẩm nói không

Trước đó, hồi tháng 8.2018, liên quan vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ngụ tại H.Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù về hành vi được thuê đóng giả chủ đất để... bán đất.
Đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan là VPCC Lý Thị Như Hòa, hồ sơ vụ án thể hiện tháng 9.2014, Lắm đóng giả chủ đất cùng người mua đất là ông Nguyễn Đông Cung đến VPCC Lý Thị Như Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng. Lắm đưa bản chính của sổ đỏ (sổ thật), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sổ hộ khẩu, CMND mang tên chủ nhà (được làm giả - PV) cho VPCC kiểm tra, thực hiện thủ tục công chứng mua bán. Sau khi công chứng, bên mua là ông Cung giao 1,2 tỉ đồng cho Lắm (là chủ nhà giả - PV).
Cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng mua bán này vô hiệu; bị cáo Lắm và VPCC Lý Thị Như Hòa có trách nhiệm liên đới bồi thường 1,2 tỉ đồng cho ông Cung. Sau bản án sơ thẩm, VPCC kháng cáo về phần dân sự liên quan đến mình.
Tòa cấp phúc thẩm nhận định trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện công chứng viên của VPCC Lý Thị Như Hòa đã biết việc bị cáo Lắm thực hiện hành vi lừa đảo hoặc đã có sự bàn bạc, cố ý tạo điều kiện cho bị cáo Lắm thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền của người bị hại. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo Lắm chịu trách nhiệm hình sự đối với 1,2 tỉ đồng chiếm đoạt, nên theo quy định tại khoản 1 điều 48 bộ luật Hình sự (BLHS) thì bị cáo Lắm phải bồi thường cho ông Cung; VPCC không có nghĩa vụ liên đới trong việc bồi thường.
Không chỉ vụ án trên, một vụ án khác liên quan đến VPCC cũng thu hút quan tâm dư luận không kém. Cụ thể, tháng 10.2019, TAND TP.HCM tuyên một VPCC tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) phải liên đới bồi thường cho các bị hại 6 tỉ đồng. Vụ việc bắt nguồn từ tháng 10.2016, bà Vương Thị Hiền (ngụ Q.1, TP.HCM) đăng báo rao bán thửa đất hơn 250 m2 ở Q.2 (TP.HCM). Sau đó, một người tên Minh (chưa rõ lai lịch) đến gặp bà Hiền hỏi mua đất; yêu cầu được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy CMND, sổ hộ khẩu. Lợi dụng sơ hở, Minh đánh tráo sổ đỏ của bà Hiền, thuê người đóng giả bà Hiền đến VPCC làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh đứng tên mảnh đất. Sau đó, mảnh đất này được sang tên cho nhiều người khác.
Hai bị cáo trong vụ án có hành vi lừa đảo mua bán đất bị tòa tuyên lãnh án tù. Riêng phần dân sự, tòa án cho rằng VPCC có sai sót nên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6 tỉ đồng cho các bị hại.

Công chứng phải bồi thường trong trường hợp nào ?

Những vụ việc nêu trên, có điểm chung là bên đi công chứng chuyển nhượng là chủ nhà giả cùng giấy tờ giả. Một số vấn đề pháp lý đã được đặt ra. Cụ thể: Tại sao công chứng viên (CCV) không phát hiện ra bên chuyển nhượng là giả, và khi không phát hiện dẫn đến thiệt hại cho chủ nhà thật thì chẳng lẽ không phải bồi thường?... Ngay các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có những cách hiểu khác nhau.
Theo đó, trong vụ án Trần Văn Lắm, tòa sơ thẩm buộc VPCC Lý Thị Như Hòa bồi thường; xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ý kiến CCV làm việc tại VPCC Lý Thị Như Hòa không làm hết trách nhiệm theo quy định về pháp luật công chứng, qua đó tạo điều kiện cho bị cáo Lắm thực hiện hành vi phạm tội, nên CCV có một phần lỗi. Do đó cấp sơ thẩm buộc VPCC liên đới với bị cáo bồi thường cho người bị hại là có căn cứ. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại tuyên ngược lại.
Luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điều 38 luật Công chứng 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Vì vậy, khi có thiệt hại xảy ra, tổ chức hành nghề công chứng có CCV vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, hành vi nào của CCV được cho là có lỗi dẫn đến phải bồi thường? LS Hùng cho rằng điều 2 luật Công chứng nêu “công chứng là việc CCV của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng”. Đồng thời, điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm quy định CCV không được thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật. Hơn nữa, điểm c khoản 2 điều 17 luật Công chứng quy định CCV có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng. Vì vậy, việc CCV xem xét tính hợp pháp của các loại giấy tờ là biện pháp để thực hiện nghĩa vụ trên. Do đó, CCV có một phần trách nhiệm trong việc xác định giấy tờ giả mạo.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên ĐH Kinh tế - Luật) cho hay, nếu CCV vi phạm với lỗi cố ý thì hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn với lỗi vô ý gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho người bị hại.
Cần một án lệ
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, trường hợp pháp luật quy định chưa rõ dẫn đến mỗi cấp tòa có một cách hiểu khác nhau trong quá trình xét xử thì HĐTP TAND tối cao cũng cần có án lệ để tạo khung pháp lý chuẩn mực khi xét xử đối với các vụ có nội dung tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.