Cổng đền, chùa vẫn đổi tiền lẻ

25/01/2016 12:02 GMT+7

Gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tại một số đình, chùa ở Hà Nội và khu vực lân cận, dịch vụ đổi tiền lẻ lại có dịp nở rộ.

Gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tại một số đình, chùa ở Hà Nội và khu vực lân cận, dịch vụ đổi tiền lẻ lại có dịp nở rộ.

Thùng đổi tiền lẻ bày công khai tại phủ Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc ThắngThùng đổi tiền lẻ bày công khai tại phủ Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngày 22.1, tại khu vực phủ Tây Hồ (Hà Nội), quan sát của PV Thanh Niên cho thấy, bên ngoài cổng Phủ, vẫn còn nhiều sạp treo biển đổi tiền lẻ. Nhiều sạp bán vàng mã, hoa quả kèm luôn cả dịch vụ đổi tiền lẻ. Giá đổi tiền ở đây khá đồng đều, với loại tiền mệnh giá 1.000 đồng là “10 ăn 8” (tức đổi 10.000 đồng chỉ được 8.000 đồng), mệnh giá 500 đồng là “10 ăn 7”. Tại đây hoạt động đổi tiền cũng diễn ra công khai. Khách đến phủ có thể đổi một cách dễ dàng mà không bị nhắc nhở.


Theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng.


Trước cổng chùa Hà (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) tình trạng đổi tiền lẻ cũng diễn ra, nhưng không công khai. Mỗi khi thấy khách hàng có ý định đổi tiền, chủ các cửa hàng bán đồ thờ, đồ lễ vồn vã mời chào. Theo một “tay cò” ở cổng chùa Hà, vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá nhỏ, các loại tiền từ 500 - 2.000 đồng đang lưu thông, chủ yếu là tiền cũ. Do đó, chi phí đổi tiền khá cao, thường khách phải chịu “phí” ít nhất 10 - 30% tùy mệnh giá, trong đó tiền 500 đồng có mức “phí” cao nhất lên tới 30 - 35%.
Cấm vẫn làm
Ông Trương Tín Hồi, Phó ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết thời gian gần đây do tuyên truyền và quản lý tốt hơn nên cảnh người dân cài cắm tiền lẻ, rải tiền ra các ban có giảm hơn. Tuy nhiên, còn không ít khách đến chùa cứ ôm một cục tiền lẻ chỗ nào cũng vứt, vung vãi khắp nơi, rơi cả xuống đất. Thậm chí, có người còn gấp tiền lại thành máy bay phi lên tượng phật với hi vọng sẽ được các vị hiển linh chứng giám cho “lòng thành kính” của mình.
Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cho biết quan điểm của đền hoàn toàn nghiêm cấm đổi tiền lẻ trong khu vực quản lý, đồng thời ngày nào cũng phát loa tuyên truyền và trưng biển cấm. Đối với khách đi lễ đền Bà Chúa Kho, ban quản lý đều nhắc nhở nên thả tiền vào hòm, bất kể tiền to hay tiền nhỏ. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng đổi tiền lẻ ở các cổng đền, chùa.
Ông Lập lý giải nhà đền làm công tác quản lý phục vụ khách chứ không có chức năng thay Nhà nước về thu, giữ, bắt người vi phạm nên gặp khó khăn trong việc ngăn chặn mua bán, trao đổi tiền lẻ. “Chúng tôi cũng đã nghiêm cấm không buôn bán quanh khu vực nhà đền, nhưng dân họ cứ bày ra thì không kiểm soát được”, ông Lập nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay hiện nay ngoài lực lượng công an tại địa phương, thanh tra ngành văn hóa được phép xử phạt hành vi buôn bán, đổi tiền lẻ. “Từ nay đến Tết, đặc biệt vào đầu xuân, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Tú khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.