Duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh đại học như hiện nay vô hình trung hạ thấp trình độ con em gia đình chính sách. Có em học rất giỏi nhưng cũng bị nghi ngờ vì đó là đối tượng được cộng thêm điểm.
Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học tạo ra bất công và nhiều hệ lụy tiêu cực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo hiểu biết của tôi, việc cộng thêm điểm cho các đối tượng chính sách trong các kỳ thi hình như chỉ còn tồn tại ở Việt Nam. Trước đây, việc này khá phổ biến trong các nước thuộc hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, gây không ít bức xúc cho những người dân bình thường.
Do hoàn cảnh đặc thù của đất nước, thường xuyên có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nên người Việt là dân tộc vốn trọng tình nghĩa; có trước, có sau. Cha ông mình từng dạy “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Nhưng cách đền ơn đáp nghĩa hiện nay của nhà nước ẩn chứa nhiều bất ổn. Những tập thể và cá nhân có công với đất nước, với cách mạng; xứng đáng được đền đáp, dù họ không đòi hỏi. Đó là đạo lý, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
Sẽ chẳng ai so đo, thắc mắc nếu các đối tượng chính sách được ưu đãi về nhà cửa, ruộng đất hoặc tiền bạc. Nói chung là về vật chất. Người dân chỉ băn khoăn vì những ưu đãi về tinh thần, rất khó định lượng, chưa kể lợi bất cập hại. Trước hết là việc cộng thêm điểm. Lý do là hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Trong chiến tranh thì có thể chấp nhận. Còn hiện nay thì vô lý. Bằng cấp, học vị, kiến thức có chuẩn chung chứ không thể du di hạ thấp. Thay vì cộng thêm điểm một cách máy móc, sao không tổ chức dạy thêm, kèm cặp miễn phí cho các đối tượng chính sách để họ canh tranh bình đẳng như mọi công dân khác? Còn nếu thật sự, họ học không vào thì đành chịu.
Làm như hiện nay, vô hình trung hạ thấp trình độ con em gia đình chính sách. Nhiều em học giỏi, rất giỏi nhưng cũng bị nghi ngờ vì đó là những đối tượng luôn được cộng thêm điểm. Cách đây hơn 30 năm, Hoàng Bá L, bạn tôi trong phong trào sinh viên, con gia đình cách mạng nòi, từng bị tù, thi vào trường đại học Kinh Tế. L bức xúc tuyên bố: “Không cần ‘điểm ngu’ vì dốt thì mới cần cộng điểm thêm”. L đã thi đỗ top 10 để chứng minh con em gia đình cách mạng không phải ai cũng dốt. Việc cộng thêm điểm dẫn đến tình trạng chuyển hộ khẩu để chạy chính sách. Vin cớ là do hoàn cảnh và điều kiện không cho phép học bình thường, các địa phương, từ tỉnh thành đến quận huyện, liên kết mở đại trà đại học tại chức, một cách hợp thức hóa bằng cấp và chức vụ. Có
bằng còn ghi rõ “Chỉ có giá trị tại địa phương”.
|
Bao nhiêu sự số của các nhà chuyên môn và lãnh đạo có nguồn gốc từ sự hụt hẫng kiến thức trong giáo dục do việc cộng điểm và đào tạo tại chức du di? Chưa ai thống kê được nhưng có những lỗi lầm sơ đẳng mà các nước rất ít gặp lại thường xuyên xảy ra ở Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình là kẻ thù của Việt Nam vì ông đã phát lệnh tấn công xâm lược Việt Nam vào tháng 2.1979. Ông ta cũng là nhà kiến tạo những thành tựu kinh tế của Trung Quốc. Tôi rất căm ghét ông nhưng vẫn nể phục (kẻ thù giỏi thì mình cũng phải học) sự quyết đoán và tầm nhìn của ông. “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn bắt được chuột” là đoạn tuyệt với chủ nghĩa lý lịch. “Mọi lý thuyết phải được thực tiễn kiểm nghiệm” là chống chủ nghĩa giáo điều và bệnh khoa trương, khẩu hiệu. Muốn phát triển kinh tế, xã hội; phải bắt đầu từ “Đường và Điện”…
Cái gì có thể ban phát, xin cho nhưng kiến thức, kỹ năng và phẩm chất thì không thể. Mình phải tự trang bị bằng nhiều cách. Không thể trông chờ sự ban phát, may rủi hoặc ăn cắp. Hãy chăm sóc và đền đáp hết lòng những người có công với đất nước bằng cả vật chất lẫn tinh thần nhưng xin đừng thương hại họ bằng cách cộng điểm. Duy trì cách xét tuyển như hiện nay là phân biệt đối xử, đi ngược lại xu thế chung của thời đại, là lực cản để mọi tài năng được phát triển bình đẳng và đóng góp tích cực cho đất nước… “Không ai chọn cửa mà sinh ra”, sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói như thế.
Bình luận (0)