Công đoàn cao su Việt Nam lấy đổi mới làm nhiệm vụ trọng tâm

02/09/2023 09:00 GMT+7

Với chủ đề “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội IX Công đoàn cao su Việt Nam thể hiện ý chí, nguyện vọng vì lợi ích thiết thực của đoàn viên và người lao động toàn ngành, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Ngày 31.8, tại TP.HCM, VRG tổ chức Đại hội Công đoàn cao su Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của VRG gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực cao su do giá bán ở mức thấp, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động.

Công đoàn cao su Việt Nam lấy đổi mới làm nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Ban chấp hành Công đoàn cao su Việt Nam khóa IX

ẢNH: VRG

Trước bối cảnh trên, Công đoàn cao su Việt Nam đã đồng hành cùng VRG tích cực chăm lo đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, bám vườn cây, nhà máy; vận động người lao động chia sẻ khó khăn với tập đoàn.

"Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, cán bộ công đoàn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để cùng ăn, cùng sinh hoạt, cùng làm với người lao động trên vườn cây, trong nhà máy, xí nghiệp để vừa đảm bảo tiến độ và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch", Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam chia sẻ.

Báo cáo tại đại hội, bà Trương Thị Huế Minh, Phó chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam cho biết, hiện nay đội ngũ công nhân, viên chức, lao động toàn ngành có gần 80.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 20.000 người. Đội ngũ công nhân cao su giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù lao động sản xuất, sẵn sàng vượt qua khó khăn thử thách, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị.

Trong nhiệm kỳ qua, các đơn vị cao su thuộc VRG vẫn luôn cố gắng tạo đủ việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động. Đối với các công ty trồng và khai thác mủ cao su đã thực hiện bố trí lại vườn cây, áp dụng linh hoạt các giải pháp để duy trì việc làm thường xuyên, mở rộng phạm vi thu tuyển lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động ở vùng sâu, vùng xa đến làm việc tại các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ - vùng trọng điểm cao su của VRG.

Đối với các công ty thuộc khối sản xuất gỗ, khu công nghiệp đã tích cực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng sản xuất thu hút thêm lao động; các chế độ chính sách của người lao động đều được đảm bảo theo quy định; người lao động đều được ký kết hợp đồng lao động, được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, Công đoàn cao su Việt Nam cùng VRG chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động với số tiền gần 117 tỉ đồng; tổ chức các hoạt động trong tháng công nhân, chăm lo cho hơn 53.000 lượt đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 23,5 tỉ đồng; thực hiện chương trình "Mái ấm công đoàn", xây dựng mới và sửa chữa hơn 800 căn nhà bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, hỗ trợ hơn 600 trường hợp bệnh hiểm nghèo; xây dựng hơn 900 thiết chế văn hóa; hỗ trợ 236 lao động bị ảnh hưởng do giảm giờ làm…

Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn cao su Việt Nam phát động thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia. Toàn ngành đã thực hiện gần 470 sáng kiến tham dự Chương trình 75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển. Riêng Chương trình 1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 đã có hơn 5.700 sáng kiến…

Ngoài ra, Công đoàn cao su Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo VRG xây dựng giải thưởng "Phú Riềng Đỏ", giải thưởng "Cao su Việt Nam"… đã tạo động lực cho phong trào thi đua ngày càng sôi nổi.

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt khó

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp Công đoàn cao su Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, trong đó nổi bật là công tác chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh các hoạt động công đoàn với nhiều nội dung, hình thức phù hợp và thiết thực.

Công đoàn cao su Việt Nam lấy đổi mới làm nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 2.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG phát biểu tại đại hội

ẢNH: VRG

Nhìn nhận nhiệm kỳ 2018 - 2023 trong bối cảnh kinh tế cả nước nói chung và của ngành cao su gặp nhiều khó khăn; chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài; ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động, Chủ tịch HĐQT VRG mong muốn Công đoàn cao su Việt Nam cần có nhiều hình thức và giải pháp sáng tạo để đoàn viên tham gia tích cực các hoạt động của ngành.

Trong đó, cần đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa việc tổ chức, phát động, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước và của ngành cao su một cách thiết thực, tránh hình thức, chú trọng đến phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và hiệu quả.

Ông Trần Công Kha đánh giá, thời gian qua, Công đoàn cao su đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến ngành, đến người lao động; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động hằng năm đạt tỷ lệ cao; các hoạt động công đoàn được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng.

Chủ tịch HĐQT VRG tin tưởng sâu sắc Công đoàn cao su Việt Nam và toàn thể đoàn viên công đoàn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu mà đại hội đã đề ra.

Nhất quán mục tiêu chăm lo tốt cho người lao động

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao các kết quả nổi bật mà Công đoàn cao su Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua; trong đó các kế hoạch đều được triển khai toàn diện, có chiều sâu và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn. Ông Hiểu cũng đánh giá cao sự quan tâm và đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn; có nhiều giải pháp xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh…

Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị Công đoàn cao su Việt Nam cần xác định rõ bối cảnh và giải pháp cụ thể ngay từ đầu nhiệm kỳ; quán triệt sâu sắc Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới"; nhấn mạnh Công đoàn cần lấy đổi mới tổ chức và hoạt động làm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

"Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị nhấn mạnh lấy nhu cầu và lợi ích của người lao động làm điểm xuất phát, xây dựng công đoàn vững mạnh toàn diện, là cầu nối của Đảng, Nhà nước với người lao động. Thời gian tới, Công đoàn cao su cần lấy đổi mới làm nhiệm vụ chính, trọng tâm", Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Đổi mới sáng tạo cũng là một trong các nhiệm vụ mà VRG đề nghị Công đoàn cao su Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng tập đoàn, nhằm chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Công đoàn cao su Việt Nam lấy đổi mới làm nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Kim Nhựt tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam

ẢNH: VRG

Đại hội Công đoàn cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong 2 ngày 30 - 31.8 đã bầu Ban Chấp hành gồm 34 ủy viên. Ông Huỳnh Kim Nhựt, Phó tổng giám đốc VRG tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Mùi, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Bình Thuận và ông Lê Văn Thủy, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV cao su Bình Long giữ chức Phó chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam khóa IX.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.