Ngày 7.7, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, dự kiến ngày 27.7 tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề: "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn".
Nhằm phục vụ cho diễn đàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của đông đảo đoàn viên, người lao động về các dự án luật liên quan người lao động và tổ chức công đoàn. Việc lấy ý kiến lần này góp phần bảo đảm tính khả thi sau khi các dự án luật được ban hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố; các công đoàn ngành T.Ư và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của người lao động về những bất cập của chế độ, chính sách hiện hành liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, lấy ý kiến của người lao động đóng góp vào các dự án luật có liên quan, trong đó có luật Công đoàn; luật BHXH; luật Nhà ở; luật Việc làm; luật An toàn, vệ sinh lao động...
Ngoài ra, các cấp công đoàn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn.
Việc tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động được gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam trước ngày 20.7.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, theo đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, năm 2024 của Quốc hội, những năm tới và trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn.
Cũng trong ngày 7.7, đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành khảo sát thực tiễn thi hành luật Nhà ở.
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, nhà ở xã hội cho người lao động đang trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách, là hệ luỵ của một thời gian dài các địa phương tập trung phát triển nhanh các khu công nghiệp nhưng sao nhãng việc đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho người lao động.
Các chủ thể trong xã hội chưa mặn mà với việc đầu tư nhà ở xã hội. Do vậy, cần thiết phát huy sự tham gia của các chủ thể có điều kiện, nguồn lực trong xã hội như Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nhà nước, doanh nghiệp vẫn là lực lượng chủ yếu trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng từ phía tổ chức công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức lao động để thể hiện đầy đủ nhất trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi.
Bình luận (0)