Theo số liệu từ các báo cáo gần đây, Việt Nam có tới 28,4 triệu người chơi game, tương đương hơn 1/4 dân số, và gần 200 công ty phát hành, sản xuất game trong nước ở đủ quy mô. Thị trường Việt Nam luôn nằm thứ hạng cao về lưu lượng tải game (Top 10) và doanh thu (Top 30) toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thị trường game Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng vì còn thiếu "chất xúc tác". Chia sẻ với Thanh Niên bên lề sự kiện Vietnam Gameverse 2023 diễn ra tại TP.HCM ngày 1 - 2.4, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam (MSVN) đánh giá: "Cộng đồng game Việt rất sôi động, tiếp cận các xu hướng mới nhanh nhưng đang thiếu sự chuyên nghiệp, cũng như hệ sinh thái để gắn kết không chỉ game thủ mà cả các nhà phát triển, lập trình viên với nhau".
Nữ lãnh đạo MSVN lấy ví dụ Hàn Quốc là quốc gia châu Á như Việt Nam nhưng đang rất chú trọng vào ngành game, có chiến lược phát triển cụ thể, ưu đãi cho các studio (công ty thiết kế, phát triển game), xác định tiềm năng kinh tế mà game có thể mang lại. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng hiểu rất rõ làm sao để có thể mang được các tựa game của mình ra thế giới.
"Việt Nam nên tập trung như một số nước châu Á. Thái Lan có thể xem là một ví dụ khác", bà Quỳnh Trâm nhận định. Theo người đứng đầu MSVN, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về khả năng của các lập trình viên, có nhiều tài năng trẻ, nhanh nhạy và thông minh. Tuy nhiên, lĩnh vực game trong nước nói chung thời gian qua chú trọng mua bản quyền rồi địa phương hóa thay vì vận dụng, dựa vào nền văn hóa Việt Nam để tạo ra những tựa game có tính khác biệt, chỉ riêng chất Việt.
"Mô hình mua bản quyền không đủ mang lại giá trị gia tăng về kinh tế cho Việt Nam. Theo tôi, cần phải khuyến khích các nhà phát triển tạo ra những tựa game độc lập, gắn liền với Việt Nam để ra thế giới. Game thủ quốc tế rất thích những sự mới mẻ, khác biệt để trải nghiệm", bà Quỳnh Trâm cho biết thêm.
Đánh giá thị trường game đầy tiềm năng nhưng chưa được tối ưu, đại diện MSVN cũng đồng thời đánh giá thách thức này sẽ trở thành cơ hội để tất cả ngồi lại cùng với nhau nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất. "Để phát triển mạnh mẽ cần có hệ sinh thái, có cơ sở pháp lý và cơ quan thẩm quyền khuyến khích nhà phát hành. Microsoft chỉ có thể hỗ trợ tư vấn chứ không giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi kỳ vọng vào sự quan tâm lớn hơn tới ngành game. Đây là một cách để kinh tế Việt Nam được đẩy mạnh hơn", phía MSVN nói.
Nhằm tăng cường cũng như khẳng định các cam kết đồng hành với thị trường game Việt, Microsoft đã ra mắt những công cụ, chương trình hỗ trợ cho các nhà phát triển game độc lập, nhỏ lẻ để có thể đưa sản phẩm của họ lên đám mây. Bên cạnh đó, hãng cũng khởi động chương trình riêng dành cho các nhà phát triển game yếu thế hơn trong xã hội như người khuyết thật, phụ nữ, LGBT... để họ tiếp cận tới tài nguyên, thông tin cần thiết cho quá trình sáng tạo.
Tháng 9.2022 vừa qua, Microsoft ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VTC trong lĩnh vực thể thao điện tử, tập trung vào xây dựng hệ thống giải đấu, đào tạo và náng cao kỹ năng phát triển game, thiết lập nền tảng đám mây và hỗ trợ đối tác này thành trung tâm khởi nghiệp game tại Việt Nam. Một trong những thông tin được giới yêu game Việt quan tâm ở mối hợp tác này là việc tựa game đình đám "Đế chế" sẽ được phát hành chính thức thông qua đơn vị phân phối trong nước, đồng thời mở ra kế hoạch về giải đấu eSport (Thể thao điện tử) bộ môn "Đế chế".
Một dấu ấn khác dành cho cộng đồng game thủ Việt trong năm 2022 là việc Microsoft phát hành nền tảng PC Game Pass (dành cho thiết bị chạy nền tảng Windows) với kho hơn 100 trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới trong khi mức thuê bao tháng là 59.000 đồng, bằng khoảng 25% so với giá ở Mỹ (10 USD). Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có giá PC Game Pass rẻ nhất thế giới hiện nay.
Bình luận (0)