Khi đến "thủ phủ" cao su của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie, chúng tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa nhận định của ông Yim Chhayly, Phó thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia: "Cho đến nay, cây cao su do các công ty cao su trực thuộc VRG đầu tư tại Campuchia là minh chứng sinh động, góp phần tô thắm cho tình hữu nghị, sự hợp tác phát triển bền vững, cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam - Campuchia".
Vùng dự án cao su rộng khoảng 5.000 ha của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) nằm tại địa bàn 2 xã O'Kreang và Roluos Meanchey, huyện Sambo, tỉnh Kratie (Campuchia). Suốt 15 năm qua, ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, 16 công ty thành viên VRG tại Campuchia, trong đó có Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie đều sử dụng 100% công nhân lao động là người nước sở tại. Ông Yim Chhayly từng khẳng định, trong số 229 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực cao su ở Campuchia, thì các công ty thành viên VRG đầu tư hiệu quả nhất, không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nước sở tại, mà còn đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở giúp công nhân và gia đình của họ ổn định cuộc sống ngày càng tốt hơn…
O'Kreang và Roluos Meanchey, huyện Sambo, tỉnh Kratie (giáp biên giới với tỉnh Bình Phước, Việt Nam; cách cửa khẩu Hoa Lư khoảng 200km) là địa bàn vùng sâu, vùng xa của Campuchia. O'Kreang và Roluos Meanchey đất đai khô cằn, phần lớn sỏi đá, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu canh tác nông nghiệp hiệu quả thấp. Sau 15 năm phát triển cây cao su ở nơi này, vùng dự án của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie bạt ngàn màu xanh cao su, đặc biệt là tạo nên một "cộng đồng Cam - Việt" đoàn kết, gắn bó cho một tương lai vững bền.
Trước đây ở O'Kreang, Roluos Meanchey "cái gì cũng thiếu", thì nay đã rất khác. Đường ô tô, điện, trường học, trạm y tế, internet, siêu thị, cây xăng, khu dân cư với các dịch vụ thiết yếu đã được phủ sóng, đặc biệt là trong vùng dự án cao su của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie. Công ty giải quyết việc làm cho khoảng 850 công nhân lao động người Campuchia với thu nhập bình quân khoảng 320 USD/người/tháng.
Gặp lại bàn tay vàng xứ Chùa Tháp
Tháng 8.2022, Sak Sey, 24 tuổi, là một trong 6 công nhân của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie từ O'Kreang qua Nông trường cao su Bình Lộc (TP.Long Khánh, Đồng Nai) tranh tài hội thi Bàn tay vàng của ngành cao su Việt Nam. Khi đó, tôi gặp và viết bài Bàn tay vàng xứ Chùa Tháp (đăng trên Báo Thanh Niên) về Sak Sey vì anh đạt thành tích cao (vững lý thuyết, giỏi thực hành) và được tuyên dương.
Khi đến O'Kreang vào cuối tháng 3.2023, chúng tôi tìm gặp lại "bàn tay vàng" Sak Sey. Anh cho hay vừa cưới vợ. Hai vợ chồng cùng làm công nhân Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie, được giao chăm sóc, khai thác vườn cao su rộng 6 ha. "Cưới xong, mình ở nhà vợ theo phong tục. Nhờ có thu nhập ổn định nên hiện nhà mình có 6 người đang làm công nhân cao su", Sak Sey vui vẻ.
Chúng tôi còn gặp Vorleak (21 tuổi), Bora (22 tuổi) cũng là thành viên đoàn công nhân Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie dự thi Bàn tay vàng ở Nông trường cao su Bình Lộc. Vorleak cho hay nhà anh đang có 6 người làm công nhân cao su (2 chị gái, 2 anh rể, ba và Vorleak) và "giờ thì không lo gì nữa, có công việc đã quen tay quen chân và thu nhập ổn định rồi". Còn Bora thì khoe: "Mình đã hỏi vợ, đang trong thời gian chờ cưới".
Sak Sey, Vorleak, Bora là những công nhân cao su điển hình ở O'Kreang, Roluos Meanchey. Với những thanh niên này và gia đình của họ, gắn bó với cây cao su cũng như chuyện cơm ăn nước uống hằng ngày vậy. Khi chia tay chúng tôi, Sak Sey, Vorleak, Bora còn bắt chặt tay, vui vẻ hẹn gặp lại ở hội thi Bàn tay vàng ngành cao su Việt Nam năm 2024…
Giúp địa phương giữ vững sinh kế
Hôm gặp chúng tôi là ngày cuối tuần ở trụ sở của xã, nhưng ông Keo Bopha, Chủ tịch xã O'Kreang vẫn dành thời gian trò chuyện rất lâu. Ông cho hay, xã rộng 58.804 ha, có 1.478 hộ, 6.110 nhân khẩu, trong đó có 160 người làm công nhân cao su (cạo mủ, nhà máy, bảo vệ). Về kinh tế, người dân chủ yếu chăn nuôi, trồng lúa với thu nhập thấp. Dự án cao su triển khai trồng cây từ năm 2008, khi đó chưa có đường giao thông, chưa có chùa, chưa có trường học, chưa có trạm y tế…, nhưng nay đã được đầu tư cơ bản đầy đủ.
"Sau khi Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie đầu tư, hạ tầng giao thông, xã hội chuyển biến tích cực. Trước đây nếu có ai đau ốm cần vận chuyển bệnh rất cực, nay thì có thể cấp cứu ban đầu tại chỗ. Trước làm lúa, nay chuyển đổi nghề nghiệp, làm công nhân với thu nhập cao hơn. Rất nhiều gia đình ở đây đều "đứng" 2 chân: vừa làm công nhân cao su, vừa làm kinh tế hộ gia đình, tăng gia sản xuất chăn nuôi, phát triển vườn điều… Nhờ đó, mức sống người dân đã khá lên. Nhiều gia đình trước đây không có xe máy, nay đã có xe, có tiền mua đất làm nhà mới", ông Keo Bopha chia sẻ.
Theo ông Keo Bopha, Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững, cứu trợ thiên tai… Đáp lại, chính quyền địa phương luôn cố gắng hỗ trợ hết sức tích cực cho công ty trong vấn đề cư trú, đảm bảo an ninh trật tự…
"Thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, công ty với xã phối hợp tích cực để vừa phòng chống dịch, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất được giao. Xã cung cấp vắc xin Covid-19 cho công ty, xin bao nhiêu thì xã hỗ trợ bấy nhiêu để tiêm phòng cho công nhân", ông Keo Bopha nói. (còn tiếp)
Gia đình "Cam - Việt"
Tại vùng dự án cao su của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie ở O'Kreang và Roluos Meanchey, sau 15 năm phát triển, có những mối lương duyên được tác hợp, với chồng là người Việt còn vợ là người Campuchia.
Điển hình là anh Danh Bình, 36 tuổi, quê Kiên Giang. Anh Bình từng làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Khmer. Sau đó, có người thân giới thiệu qua làm phiên dịch cho Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie, nay anh làm nhân viên kỹ thuật nông trường cao su. Anh Bình đã ở xã O'Kreang khoảng 10 năm, cưới vợ vào năm 2014, là chị Thà Rit (làm nghề buôn bán). "Vợ chồng mình có 1 cháu gái học lớp 1 và 1 cháu trai 2 tuổi. Vợ mình đang đi học làm nail ở Phnom Penh, cách O'Kreang hơn 500 km. Khi vợ học nghề xong sẽ về lại mở tiệm nail. Còn giờ lương của mình 570 USD/tháng, tính ra tiền Việt khoảng 15 triệu đồng", anh Bình kể.
Trường hợp điển hình khác là anh Công Phú, 37 tuổi, quê Tây Ninh, qua làm tài xế từ năm 2008 đến nay, tiền lương khoảng 600 USD/tháng. Năm 2010, anh cưới chị Li Na (32 tuổi). Anh chị có 2 con, con đầu học lớp 7, con út học lớp 5. Chị Li Na trước đây làm công nhân cao su, sau đó mở tiệm tạp hóa. Tiệm tạp hóa của chị Li Na hiện có quy mô lớn nhất nhì vùng dự án cao su.
Bình luận (0)