Cách đây 1 năm, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN với kỳ vọng tăng cường hội nhập và đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động giữa các thành viên. Nhân dịp này, bà Su Sian Lim, chuyên gia kinh tế cao cấp của HSBC, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về những thành tựu và thách thức của AEC trong một năm qua đối với VN nói riêng và ASEAN nói chung, cũng như những kỳ vọng trong năm 2017. Bà Lim dự kiến sẽ trình bày về chủ đề này trong một hội thảo tại TP.HCM vào tháng 1.2017.
Bà đánh giá như thế nào về tác động của AEC đến doanh nghiệp ASEAN sau một năm thành lập cũng như những thành quả và thách thức trong quá trình hội nhập của cộng đồng kinh tế này?
Rất khó để đo lường chính xác tác động cụ thể trong một năm qua. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng AEC chưa thực sự tác động nhiều đến thương mại nội khối. Từ quý 1/2016 đến quý 3/2016, thương mại nội khối giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng gần bằng mức giảm 3,9% tổng sản lượng xuất khẩu của các nước ASEAN trong cùng giai đoạn.
Về thành quả của AEC, tôi cho rằng đã có những tiến triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực nhờ cắt giảm thuế. Điều này tạo thuận lợi hơn cho dòng lưu chuyển hàng hóa, giúp các công ty giảm chi phí cũng như giúp AEC tiến gần hơn đến mục tiêu thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức, chẳng hạn như quá trình lưu chuyển tự do đang diễn ra khá chậm do nền kinh tế các thành viên có nhiều khác biệt về cung cầu. Ví dụ như Singapore là nền kinh tế hướng đến dịch vụ tiên tiến trong khi VN lại tập trung nhiều hơn về hàng hóa. Về dòng lưu chuyển đầu tư và vốn cũng tương tự khi một số nước thu hút mạnh hơn nhờ thị trường sâu rộng hơn. Trong khi đó, lĩnh vực lao động đã có một số tiến triển nhưng vẫn đang đối mặt với thách thức về kỹ năng, chất lượng tay nghề. Hiện cũng chỉ mới có 8 nhóm ngành nghề có thể di chuyển dễ dàng giữa các nước bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Các thành viên ASEAN rất đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa... Liệu đây có phải là một trong những thách thức lớn và các nước nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
Khác biệt này luôn tồn tại giữa các nước ASEAN và điều đó đã làm chậm tiến trình hội nhập của AEC. Nhưng điều lạc quan là các nước đã và đang chấp nhận thực tế này trong quá trình hội nhập. Điều quan trọng là họ cần luôn ghi nhớ mục tiêu chung là đạt được hội nhập kinh tế vào năm 2025. Bên cạnh đó, nên củng cố “bản sắc ASEAN” bằng cách tập trung vào những tương đồng về văn hóa và lịch sử.
Liệu có những khác biệt trong việc tận dụng lợi thế từ AEC giữa các thành viên không? Và VN nên làm gì để tận dụng tối đa lợi thế này?
Thật khó để định lượng chính xác để so sánh. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào con số về thương mại thì tổng kim ngạch thương mại của VN với 5 nền kinh tế lớn khác trong khối ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines) thực tế đã giảm trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng 9 xuống còn 13,6% so với mức 14% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở cấp độ doanh nghiệp thì một số công ty VN đã tận dụng được lợi thế từ AEC để mở rộng thị trường và VN cũng thu hút đầu tư trực tiếp từ các thành viên khác nhờ lợi thế lao động giá cạnh tranh.
Bà dự đoán như thế nào về những thuận lợi và thách thức đối với hội nhập kinh tế của VN nói riêng cũng như ASEAN nói chung trong năm 2017?
Phát triển kinh tế VN có thể dễ dàng vượt qua mức phát triển chung của ASEAN trong năm 2017, với tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5% so với mức bình quân 5% trong nhóm 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Viễn cảnh tích cực đối với VN về dài hạn là tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Đối với thách thức mà nói thì các cơ quan hữu quan sẽ cần phải giám sát chặt chẽ mức lạm phát để tránh tác động đến các hoạt động trong nước. Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức nếu giải quyết vấn đề nợ xấu còn tồn đọng trong khi phải đối mặt tăng trưởng tín dụng cao.
Bình luận (0)