Công khai gian lận điểm thi: Chỉ là phần nổi của tảng băng

12/04/2019 07:03 GMT+7

Hầu hết các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hành vi 'chạy' điểm của nhiều phụ huynh học sinh cần phải được xử lý, kể cả ở mức hình sự, đồng thời cần phải công khai danh tính những cá nhân này.

Dù các cơ quan chức năng đã chính thức công bố có 64 thí sinh Hòa Bình, 44 thí sinh Sơn La gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018 từ cả tháng nay nhưng cho đến giờ thông tin xung quanh các trường hợp này vẫn rất mù mờ.
Điều này gây bất an trong dư luận khi đây chỉ là một phần nhỏ sự thật của tiêu cực được phát hiện trong thi cử cuối bậc học phổ thông trong suốt mấy chục năm qua.

Vẫn còn những “nghi án”...

Ngày 19.7.2018, việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh Hà Giang là sự kiện mở đầu cho một chuỗi ngày vất vả phá án các vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 của các cơ quan chức năng (gồm Bộ Công an, Bộ GD-ĐT và một số địa phương).
Tôi đề nghị cơ quan điều tra công khai danh tính của gia đình, phụ huynh học sinh chạy điểm, coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố những người trực tiếp sửa điểm. Chính họ là ngòi nổ sinh ra gian lận thi cử nên cần phải coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội
Trong diễn biến liên quan khác, một cán bộ quản lý phòng đào tạo Học viện An ninh nhân dân đã nhận xét thí sinh (TS) trúng tuyển vào học viện này năm nay phần lớn tập trung vào các tỉnh miền núi phía bắc như: Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn... Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn cũng là các tỉnh có số lượng TS trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân nhiều nhất, vượt xa so với các tỉnh, thành có đông TS với truyền thống học tập tốt hơn, như: Hà Nội, Nghệ An, Nam Định...
Hiện tượng “lạ” trên dường như được giải mã phần nào với kết quả điều tra gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình mà các cơ quan chức năng mới công bố hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Theo đó, có 64 TS Hòa Bình, 44 TS Sơn La có điểm thi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018. Thoạt tiên dư luận hồ hởi trước thông tin này, vì cho rằng kết quả này là dấu mốc để các cơ quan chức năng vén bức màn bí ẩn của bức tranh tiêu cực thi cử, ít nhất ở 2 tỉnh liên quan. Nhưng cả tháng trời trôi qua, thông tin xung quanh các trường hợp này vẫn rất mù mờ. Duy nhất mới đây, chỉ có Cục Đào tạo Bộ Công an thông báo, có 28 TS Sơn La bị các trường công an nhân dân “trả về địa phương”. Còn 80 trường hợp còn lại thì không có bất kỳ thông tin nào.

Phải công khai danh tính những phụ huynh “chạy” điểm

Phân tích vấn đề nêu trên, hầu hết các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hành vi “chạy” điểm của nhiều phụ huynh học sinh cần phải được xử lý, kể cả ở mức hình sự, đồng thời cần phải công khai danh tính những cá nhân này.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng khi đã có những người “bán” thì đương nhiên sẽ có một vế nữa là người mua. Vì thế, chỉ khi có danh sách những “người mua” này thì bức tranh về gian lận thi cử vừa qua mới trở nên đầy đủ được. “Tôi ủng hộ việc công khai, thậm chí là khởi tố, đưa ra xem xét, xử lý trước pháp luật những người mua điểm”, ông Tùng nêu quan điểm và cho rằng nếu có việc dùng tiền để chạy điểm, thì đây có thể là hành vi đưa và nhận hối lộ.
Ông Phan Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cũng cho rằng nếu không có sự tác động hay mua chuộc theo một cách nào đó thì những người làm việc trong quy trình chấm thi THPT quốc gia không tự nhiên đi sửa điểm cho một con ông A, bà B nào đó.
“Cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ những hành vi này, đặc biệt là đối với những người có hành vi môi giới, dùng tiền hoặc dùng quyền lực để tác động sửa điểm để xử lý trước pháp luật. Người dân đang chờ sự xử lý nghiêm minh của các cơ quan pháp luật”, ông Hòa nói và nhấn mạnh, bất kể người đó là ai, có phải là lãnh đạo của tỉnh hay không, đã có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý thích đáng và sau khi xử lý thì phải công khai danh tính cho dư luận biết.
Cùng quan điểm nêu trên, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng những người ở “phần chìm” của vụ gian lận thi cử này chính là những phụ huynh hoặc có tiền, hoặc có quyền và dùng tiền và quyền để “chạy” điểm cho con cháu mình. “Tôi đề nghị cơ quan điều tra công khai danh tính của gia đình, phụ huynh học sinh chạy điểm, coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố những người trực tiếp sửa điểm. Chính họ là ngòi nổ sinh ra gian lận thi cử nên cần phải coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng không nên công khai danh tính các em học sinh bởi vì các em chỉ là nạn nhân của những hành vi sai trái của người lớn. GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN và nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho rằng không nên công khai học sinh để có thể đảm bảo tương lai cho các em.
 
Hệ lụy của việc “ngồi nhầm chỗ”
Theo ông Lê Như Tiến, vụ gian lận thi cử tại một số tỉnh vừa qua cho thấy, tính chất của vụ việc xảy ra trên không gian rộng, thời gian dài và tổ chức có hệ thống, từ người đặt hàng cho tới người thực thi. “Những TS được nâng điểm để vào trường đại học đang đánh cắp cơ hội của những TS khác có năng lực tốt hơn. Điều này không tạo nên tính bình đẳng, công bằng và cơ hội như nhau cho các TS trong một kỳ thi quan trọng như vậy”, ông Tiến nhìn nhận và lo ngại việc “ngồi nhầm chỗ” của các TS gian lận không chỉ ảnh hưởng tới tương lai, cuộc sống của các em này mà còn ảnh hưởng tới tương lai của toàn xã hội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho rằng điều này còn ảnh hưởng tới cả nguồn nhân lực, suy nghĩ, cuộc sống của các em này về sau khi các em vào đời.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng thì cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của gian lận thi cử chính là sự mất lòng tin vào hệ thống giáo dục cũng như mất lòng tin vào xã hội nói chung. “Khi niềm tin đã bị lung lay thì người ta dễ nảy sinh những nghi kỵ tiếp theo. Rồi đây, người ta sẽ nghi ngờ tiêu cực cũng đã từng xảy ra ở những kỳ thi trước năm 2018. Và rồi liệu kỳ thi năm 2019 có đảm bảo không có tiêu cực”, ông Tùng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.