Công khai kết quả giám sát tối cao

10/06/2014 02:10 GMT+7

Đây là ý kiến được các ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận hôm qua về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.

Đây là ý kiến được các ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận hôm qua về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.

 ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên)
 ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị QH giám sát vấn đề sử dụng ODA chính xác, hiệu quả - Ảnh: Ngọc Thắng

“Vì sao dân thiếu yên tâm?”

 

Chi 16.000 tỉ đồng cho ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư

Với đa số đại biểu tán thành, chiều 9.6 QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2012 và Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương 2013. Trong nghị quyết, QH đồng ý dành 16.000 tỉ đồng từ nguồn cân đối ngân sách 2013 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Ngoài ra, nghị quyết cũng quyết định chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc...

Trước đó, QH thông qua chỉ tiêu như tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 2012 là 1.058.140 tỉ đồng và tổng số chi cân đối 1.170.924 tỉ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỉ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỉ đồng).

Anh Vũ

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị đưa chuyên đề về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) vào chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015. Theo ĐB Khá, đây là vấn đề thực sự bức xúc trong hoạt động TTHS. Năm 2003, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết 388 và năm 2009 QH đã ban hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tuy nhiên, cho tới nay công tác đền bù trong các vụ án oan sai vẫn còn nhiều bất cập. “Người ngồi sau song sắt khi bị oan sai trước khi được bồi thường có năm cái mất: mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan cửa nát nhà. Tiếp đó, trong quá trình đi tìm chân lý người bị oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái “công”: người công tâm để làm rõ, làm ngay, làm đúng để có được công lý. Công lý sáng tỏ minh bạch bằng một quyết định hay bản án nào đó thì tiếp tục đi tìm công bằng. Để được bồi thường, xin lỗi đúng nghĩa, đúng luật là một quá trình gian nan, mòn mỏi đợi chờ”, ĐB Khá nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị bên cạnh giám sát chung phải giám sát một số vụ cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp. “Phải đi sâu một vài vụ việc oan sai cụ thể để tìm hiểu nguyên nhân là do pháp luật hay do con người chứ không nghe báo cáo chung chung được”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị bên cạnh việc giám sát TTHS cũng cần giám sát hoạt động tố tụng hành chính. Đây là vấn đề cần quan tâm, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao luật tố tụng hành chính không đi vào cuộc sống, vì sao dân thiếu yên tâm, chưa tin trong việc đưa ra tòa hành chính xem xét phán quyết các thủ tục hành chính được cho là không đúng luật? Trong khi đó, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị QH giám sát vấn đề sử dụng ODA chính xác, hiệu quả. Theo ĐB Nga, các khóa QH gần đây chưa có lần nào QH giám sát tối cao về vấn đề này. “Giám sát tối cao về quản lý ODA là thể hiện QH cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về việc sử dụng đồng vốn này”, ĐB Nga nói.

Giám sát xong để làm gì?

Đánh giá về vấn đề giám sát, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) thẳng thắn: “Trong chương trình, quy định các ủy ban chọn một chuyên đề để giám sát nhưng vấn đề là giám sát xong để làm gì? Các ủy ban giám sát xong đưa ra một văn bản trước QH nhưng hầu như ít ĐBQH đọc”. ĐB Tiên đề nghị từ kỳ họp sau, mỗi ủy ban chủ trì giám sát một chuyên đề trong lĩnh vực của mình và giám sát ban hành văn bản trong lĩnh vực của mình. Báo cáo giám sát sẽ phải được đọc trước QH. “Như vậy tất cả các vấn đề kinh tế, pháp luật, an sinh xã hội đều được quan tâm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Nếu không chỉ chọn một chuyên đề chung chung thì nóng thật nhưng không bao phủ hết”.

Đại biểu Tiên cho rằng, nếu buộc phải báo cáo trước QH và nhân dân cả nước thì các ủy ban phải “dốc sức mà làm”, vì ngôn ngữ và số liệu đưa ra công khai. “Còn hiện nay viết báo cáo chung chung, ai đọc thì đọc, không đọc thì thôi thì chất lượng không thể bằng thuyết trình. Tôi đề nghị cắt bớt các buổi thảo luận tổ và dành thời gian cho việc này”, ĐB Tiên nói.

Dân sẽ tốn kém, rắc rối khi thay CMND bằng thẻ căn cước

Thảo luận tại tổ về dự án luật Căn cước công dân ngày 9.6, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi thấy sự phối hợp chưa đồng bộ và khả năng gây lãng phí lớn. ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) nói: “Hà Nội đang thực hiện việc cấp CMND 12 số trên toàn TP. Đã có ĐB nói rằng việc này gây phiền hà. Và nếu khi luật Căn cước công dân có hiệu lực thì sẽ tồn tại 3 loại giấy tờ: CMND 9 số, CMND 12 số và căn cước công dân. Đến năm 2020 - 2022 mới thực hiện trên toàn quốc thì toàn bộ người dân trên cả nước mới có thể sử dụng thẻ căn cước” và cho rằng: “Trong CMND 12 số thì có coi là mã số định danh cá nhân không, trong khi mua phôi rất tốn kém, máy móc nhập rồi, công nghệ nhập rồi. Khi tôi hỏi (ban soạn thảo - pv) sau này số định danh có theo CMND 12 số không thì được trả lời là không, mà nếu như vậy thì không chỉ tốn kém mà còn rất phiền hà rắc rối về mặt thủ tục giấy tờ, phải đổi một hệ thống giấy tờ rất lớn, vì tất cả bằng cấp, lái xe... đều ghi số CMND lên đó, nếu thay đổi thì người dân phải mất vài tháng mới xong”.

Trong khi đó, tại tổ TP.HCM, khi được mời giải trình thêm, ông Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết 12 số trên CMND mới cũng chính là mã số định danh cá nhân trong thẻ căn cước công dân sau này và sau một thời gian triển khai thí điểm tại Hà Nội, Bộ Công an đã mở rộng tại 5 tỉnh thành khác như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... Tuy nhiên, vị này không trả lời được câu hỏi của ĐB về việc vì sao luật Căn cước công dân dự kiến có hiệu lực từ năm 2016 nhưng Bộ Công an vẫn ồ ạt triển khai CMND 12 số. “Như thế này thì lãng phí quá”, cả ĐB Trần Du Lịch, Đỗ Văn Đương cùng thốt lên.

Theo ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội), việc làm thẻ căn cước công dân là đúng, nhưng cần có lộ trình thời gian phù hợp. “Cùng lúc nhiều dự án đều triển khai, chồng chéo cả cũ và mới, vừa lãng phí tiền của rất lớn đã đành; hai là mục tiêu chúng ta muốn làm thuận tiện cho người dân không những không đạt được mà còn tự làm khó mình và làm khó dân”, ĐB Nghị nói và cho rằng: “Căn cước công dân nên làm nhưng phải chuẩn bị chu đáo, bàn tính kỹ, nhất là thay thế được cái cũ thế nào cho thuận tiện đơn giản, nếu không thì chưa nên làm ngay”.

Thanh Niên

Trường Sơn

>> Không nên cấp ‘Căn cước’?
>> Cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi chào đời
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
>> Lãng phí lớn trong cấp đổi CMND
>> Hà Nội cấp, đổi mới CMND 12 số
>> Vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tại Quốc hội
>> Quốc hội quyết chi thêm 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ các lực lượng bám biển
>> Khi Quốc hội cùng nhịp thở với dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.