Công khai, minh bạch để người dân giám sát

29/11/2020 09:33 GMT+7

Ngày 28.11, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Công khai, minh bạch để người dân giám sát và làm sao để người dân dám nói là những ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo.

“Không bôi trơn thì công việc trì hoãn”

Theo Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Nguyễn Minh Quang, trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), cần quan tâm đến xây dựng thể chế, không chỉ là thể chế về PCTN, mà là thể chế nói chung, bởi thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các quy định pháp luật khó khăn sẽ dẫn đến những khe hở, tạo điều kiện phát sinh tham nhũng. Dù Chính phủ đã chỉ đạo triển khai việc PCTN gắn với cải cách hành chính, và đã có những kết quả tích cực, nhưng theo ông Quang, vẫn còn những bất cập, nhất là minh bạch trong quản lý và trong công tác cán bộ, đặc biệt là ở địa phương.
Thể chế chưa hoàn thiện, dẫn đến một hạn chế của công tác PCTN, chính là tham nhũng vặt. Dù nhiệm kỳ này đã lần đầu tiên đặt ra vấn đề chống tham nhũng vặt, nhưng các giải pháp còn hạn chế, theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Quang. “Tham nhũng vặt làm băng hoại cán bộ công chức, đặc biệt ở cấp cơ sở. Việc này làm cho người dân và doanh nghiệp bức xúc. Đi đâu cũng phải bôi trơn. Không được bôi trơn, cán bộ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Không bôi trơn thì công việc trì hoãn, thậm chí bị tham mưu không chính xác”, ông Quang nêu.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì cho rằng việc xử lý nghiêm tham nhũng ở cấp T.Ư đã tạo sự lan tỏa, khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Nếu như trước đây, phát hiện tham nhũng ở cơ sở rất khó khăn, thì nay nhiều địa phương đã chủ động điều tra trong PCTN.
Từ vụ việc nhận diện được nhóm đối tượng lợi dụng tình huống khẩn cấp để cấu kết nâng giá thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, ông Ngọc cho rằng trong PCTN không chỉ quan tâm tới lĩnh vực công mà cần lưu ý đến lĩnh vực tư; không chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, mà cần quan tâm đến các “sai trái về mặt tư tưởng”.

“Lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định quản lý tài sản công có vai trò rất quan trọng trong PCTN, bởi tham nhũng cơ bản tập trung vào tài sản công, đất đai. Do vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài sản công, ban hành luật và thực hiện đúng theo các quy định pháp luật. “Công khai phạm vi quản lý tài sản công để thuận tiện cho việc giám sát, qua đó phát hiện được hành vi vi phạm, góp phần chống tham nhũng, lãng phí. Công khai, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp”, ông Hà nêu quan điểm.
Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng các vụ án vi phạm, tham nhũng thời gian qua là do sử dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, nhưng phát hiện trong nội bộ còn hạn chế. Do đó, cần chú ý đến công khai, minh bạch để người dân giám sát; quan tâm tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm sao để người dân dám nói…
Nhận định PCTN là nhiệm vụ “quan trọng, thường xuyên, khó khăn; vừa cấp bách, vừa lâu dài”…, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc cho rằng cần tăng cường kiểm soát, giám sát đối với người có chức vụ, quyền hạn. “Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế. Lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm”, ông Trạc khẳng định và cho rằng cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, bịt kín những sơ hở để không thể tham nhũng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.