Nhiều bạn đọc vui mừng khi biết thông tin TP.HCM đã chính thức yêu cầu các sở ngành liên quan công khai thông tin dự án để người dân nắm rõ, cho rằng đây là "chìa khóa" để giúp người dân không bị lừa bởi các dự án "ma".
Như Thanh Niên đã thông tin, để hạn chế tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất, UBND TP.HCM vừa giao các sở ngành phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử.
Đồng thời, phải công khai các văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án nhà ở. Bên cạnh đó, các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, đủ điều kiện kinh doanh bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai, cũng như những dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở... cũng phải được công khai.
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc công khai thông tin dự án như trên. BĐ Van Thanh (TP.HCM) phấn khởi: Hoàn toàn ủng hộ việc TP.HCM chính thức yêu cầu các sở ngành liên quan công khai thông tin dự án để người dân nắm rõ. Có như vậy thì sẽ không thể có lừa đảo, không có những vụ như Alibaba, các công ty BĐS sẽ làm ăn đàng hoàng, minh bạch... Cùng quan điểm, BĐ Van Hiep Nguyen (TP.HCM) cho rằng: “Nếu thông tin công khai đại chúng sớm thì sẽ hạn chế được lừa đảo của các công ty BĐS làm ăn gian dối”.
Người mua phải tỉnh táo
BĐ Le Van Tam (Bình Dương) nhận xét “Bài báo (bài Công khai thông tin để triệt dự án “ma” đăng trên Thanh Niên ngày 6.3.2020) viết rất đúng: Thời gian qua dự án “ma” nở rộ, bởi các nhà đầu tư, khách hàng quá ham lợi nhuận khi mà đa số các dự án kiểu này mở bán thường pháp lý chưa có gì, thậm chí khu đất dự án còn chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong. Theo BĐ này, “Nếu người dân tỉnh táo hơn, và biết tham khảo các thông tin công khai về dự án, thì sẽ không bị lừa”.
Đồng tình với ý kiến này, BĐ Robin (TP.HCM) lưu ý: “Chỉ vì tham, ham của rẻ mà nhiều người bất chấp đất đai không có giấy tờ pháp lý rõ ràng, bất chấp cơ quan báo chí và chính quyền địa phương cảnh báo, vẫn cố mua cho bằng được. Giờ tỉnh ngộ thì mất tiền”.
BĐ Hùng (TP.HCM) kể một cách làm ở Úc: Có một luật sư hay ngân hàng đứng trung gian giữ tiền. Tiền vẫn phải nộp theo tiến độ. Nhưng công ty BĐS không nhận được đồng nào, chỉ được thông báo số lượng khách hàng đã mua. Tiền trong tài khoản ngân hàng vẫn sinh lãi, người mua BĐS vẫn hưởng lãi. Khi nào người mua nhận được tài sản và giấy tờ pháp lý, thì công ty BĐS mới nhận được tiền từ bên trung gian. Nếu công ty BĐS không thể giao tài sản với lý do chính đáng như phá sản, rủi ro..., tiền sẽ trả lại người mua.
“Khi xuống tiền mua, cả tỉ bạc chứ ít gì, mà sao không tìm hiểu thông tin cho cặn kẽ để bị lừa. Nay thì nhiều cơ quan công bố thông tin dự án rồi, bà con nhớ tham khảo cho kỹ, hỏi thăm các cơ quan chức năng nữa, thì sẽ tránh được bị lừa đảo”.
Tin Tin (TP.HCM)
“Đề nghị các tỉnh, thành khác cũng công khai thông tin các dự án để người dân nắm rõ. Có như vậy người dân mới yên tâm không sợ bị lừa giống như vụ Alibaba lừa đảo”.
Hoai Van (Đồng Nai)
“Xin cảm ơn các cơ quan tố tụng TP.HCM. Chúng tôi tin tưởng, đồng hành, và luôn ủng hộ các vị trong việc đấu tranh triệt xóa những tiêu cực xã hội nói chung, vụ Alibaba nói riêng, phải làm cho bọn này hết đất sống”.
Nghiêm Xuân Hòa (Thừa Thiên - Huế)
|
Bình luận (0)