Ông Gert-Jan Oskam (40 tuổi) là một kỹ sư người Hà Lan. Vào năm 2011, ông đến Trung Quốc sinh sống và làm việc. Nhưng trong lúc ông đạp xe trên đường thì không may tai nạn xảy ra, theo tờ The Independent (Anh).
Vụ tai nạn khiến tủy sống của ông Oskam bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến liệt từ hông trở xuống. Vì bị liệt cả 2 chân nên ông mất khả năng đi đứng.
Nhưng mới đây, sau 12 năm bị liệt, ông Oskam đã bắt đầu đi lại những bước đầu tiên nhờ một phương pháp điều trị mới của các chuyên gia thần kinh tại Đại học École Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL) của Thụy Sĩ. Phương pháp này được gọi là cầu nối kỹ thuật số không dây, có khả năng khôi phục kết nối thần kinh bị mất giữa não và tủy sống.
"Cầu nối não" thần kỳ giúp người bị liệt đi được sau 12 năm
Ông Oskam đã trải qua 2 ca phẫu thuật để cấy ghép các điện cực vào não và tủy sống. Các điện cực sẽ được kiểm soát bằng trí tuệ nhân tạo, giúp kết nối lại tín hiệu thần kinh. Nhờ đó, não có thể khôi phục lại kiểm soát đối với tủy sống và chuyển động chân.
"Khi gặp chúng tôi, ông Oskam không thể đi nổi dù chỉ 1 bước do chấn thương cột sống nghiêm trọng", giáo sư Jocelyn Bloch, chuyên gia thần kinh tại EPFL, cho biết.
Sau ca cấy ghép, ông Oskam đã có thể đi bộ hơn 100 mét. Khi các điện cực tắt đi, ông Oskam vẫn có thể đi bộ dù phải cần đến nạng.
"Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, tôi đã có thể đứng lên và uống bia với một số người bạn, điều đó thật tuyệt vời", ông Oskam chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dường như phương pháp điều trị này đã giúp hình thành các kết nối thần kinh mới. Nhờ đó, dù điện cực đã tắt nhưng ông Oskam vẫn có thể đi đứng được. Những kết quả đầy khích lệ này làm dấy lên hy vọng có thể giúp phục hồi chức năng thần kinh ở những người bị liệt, theo The Independent.
Bình luận (0)