Công nghệ 'đọc suy nghĩ' có thực sự khả thi?

18/07/2021 11:54 GMT+7

Từng có tham vọng phát triển phần mềm gõ chữ, điều khiển game bằng tâm trí, Facebook đã phải dừng cuộc chơi vì vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu.

Theo Technology Review, năm 2017, công ty Neuralink của tỉ phú Elon Musk tuyên bố đang nghiên cứu cách ghép hàng nghìn điện cực vào não con người. Vài ngày sau, Facebook nối gót Neuralink công bố dự án bí mật có tên Building 8 với mục đích chế tạo tai nghe hoặc thiết bị đeo trên đầu giúp mọi người gửi tin nhắn bằng ý nghĩ, tốc độ 100 từ/phút.
Regina Dugan - giám đốc phần cứng của dự án Building 8 mở ra những triển vọng: "Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể gõ chữ trực tiếp bằng não? Nghe tưởng chừng bất khả thi, nhưng nó gần hiện thực hơn bao giờ hết".
Gần đây, sau 4 năm nghiên cứu, Facebook tuyên bố tạm ngừng dự án Building 8. Thay vào đó, công ty tập trung phát triển bộ vòng tay có chức năng đọc tín hiệu cơ trên cánh tay, hỗ trợ trải nghiệm thực tế ảo. Công ty cho biết: "Mặc dù vẫn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của công nghệ này, chúng tôi quyết định tập trung nỗ lực vào một phương pháp tiếp cận giao diện thần kinh khác có thể đưa ra thị trường nhanh hơn".

Nhiều trở ngại trước mắt

Dự án gõ chữ bằng não khiến Facebook phải tham gia vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn, bao gồm tài trợ cho các ca phẫu thuật não tại bệnh viên California (Mỹ), phát triển mũ bảo hiểm có thể bắn ánh sáng xuyên qua hộp sọ... Chưa kể, dự án này gây tranh cãi về khả năng các công ty công nghệ xâm nhập vào thông tin trong não bộ người dùng.  
Mark Chevillet - nhà vật lý và thần kinh học tham gia vào dự án của Facebook chia sẻ: "Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm thực tế với những công nghệ này. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, với tư cách là một giao diện dành cho người tiêu dùng, việc phát triển những thiết bị đeo đầu giúp gõ chữ bằng ý nghĩ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Có thể sẽ lâu hơn dự kiến".
Các công ty đổ xô vào lĩnh vực này vì cho rằng giao diện máy tính - não người sẽ là một bước đột phá lớn, tương tự chuột máy tính, giao diện đồ họa người dùng hoặc màn hình vuốt. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh việc cấy ghép các điện cực vào trong não sẽ giúp bệnh nhân bị liệt có thể điều khiển cánh tay robot và chơi game, gõ chữ bằng tâm trí.

Neuralink thử nghiệm cho khỉ chơi game bằng cách cấy chip não

Ảnh chụp màn hình YouTube

Trên thực tế, khi giao diện máy - não ngày càng tiến bộ sẽ nảy sinh những mối bận tâm mới. Điều gì sẽ xảy ra nếu các hãng công nghệ lớn có thể đọc suy nghĩ của mọi người? Tại Chile, các nhà lập pháp đang xem xét dự luật bảo vệ dữ liệu não bộ, ý chí tự do và quyền riêng tư về tinh thần của mỗi người trước sự xâm lấn của các công ty công nghệ.
Facebook muốn biến công nghệ đó thành sản phẩm tiêu dùng mà ai cũng có thể sử dụng, kết hợp với tham vọng xây dựng thế giới thực tế ảo. Công ty đã mua Oculus VR năm 2014 với giá 2 tỉ USD. Để đạt mục đích, Facebook tiếp cận theo hai hướng. Đầu tiên, cần xác định xem giao diện biến suy nghĩ thành lời nói hay văn bản có khả thi hay không. Vì vậy, công ty đã tài trợ cho nghiên cứu của nhà khoa học Edward Chang tại Đại học California, San Francisco (UCSF). 
Họ thử nghiệm cấy ghép các miếng điện cực lên đối tượng là người đàn ông 36 tuổi đã mất khả năng giao tiếp sau một cơn đột quỵ, với mục đích giúp người này chuyển hóa ý nghĩ thành lời nói. Kết quả thí nghiệm tương đối khả quan, dù không giống như những gì Facebook hướng đến. Mark Chevillet cho biết: "Chúng tôi thấy công nghệ này có thể áp dụng cho hỗ trợ y tế lâm sàng, nhưng không phù hợp với hoạt động kinh doanh của chúng tôi".
Người trong ngành không ngạc nhiên khi Facebook bỏ cuộc. Marc Slutzky - Giáo sư tại Đại học Northwestern cho biết: "Họ muốn xây dựng mọi thứ trong thời gian ngắn. Nhưng mục tiêu giải mã suy nghĩ vẫn là một thách thức lớn. Chúng ta còn lâu mới có được một giải pháp thực tế, toàn diện". Dù vậy, ông cũng cho rằng nếu các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được đào tạo lâu hơn và được thử nghiệm trên não của nhiều người, chúng có thể cải thiện khả năng nhanh chóng.
Song song với nghiên cứu của UCSF, hướng tiếp cận thứ hai của Facebook là trả tiền cho các trung tâm khác để tìm cách truyền ánh sáng qua hộp sọ, đọc các tế bào thần kinh mà không cần xâm lấn. Kỹ thuật này dựa vào cảm nhận ánh sáng phản chiếu để đo lượng máu lưu thông đến các vùng não, nhưng có nhiều trở ngại lớn hơn so với biện pháp cấy ghép điện cực, vì tín hiệu huyết động không đủ nhanh để điều khiển máy tính.
Bryan Johnson - nhà sáng lập kiêm CEO công ty Kernel cho biết: "Facebook từ bỏ phương pháp này không có nghĩa là công nghệ quang học đã chấm dứt". Giống như công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI), phương pháp truyền ánh sáng qua hộp sọ thích hợp với việc đo trạng thái tổng thể của não, phát hiện cảm xúc của con người. Trong khi đó, Facebook lại muốn cải thiện cách con người tương tác với máy tính.   

Triển vọng vòng tay "đọc ý nghĩ"

Sau khi mua công ty khởi nghiệp CTRL-Labs với giá hơn 500 triệu USD vào tháng 9.2019, Facebook đang tập trung phát triển vòng tay đọc tín hiệu bằng công nghệ gọi là EMG, giúp phát hiện tín hiệu trên cánh tay con người.

Vòng tay đọc ý nghĩ là dự án khả thi hơn đối với Facebook

Ảnh: Facebook

Dù không phải là giao diện não - máy như mục tiêu đặt ra ban đầu, nhưng đây là cách đơn giản hơn để phục vụ tham vọng thực tế ảo của Facebook. Hãy tưởng tượng khi tham gia một trò chơi thám hiểm, bạn có thể kéo dây cung và bắn cung chỉ bằng cách nhấc ngón tay. Theo Krishna Shenoy - nhà khoa học thần kinh Đại học Stanford, cũng là cố vấn cho CTRL-Labs, thiết bị có thể ghi lại hoạt động điện trên cơ tay "ở mức độ chi tiết đáng kể", nắm bắt chuyển động của nhiều ngón tay cùng lúc.
Facebook đang có kế hoạch xây dựng mã nguồn mở cho phần mềm mà họ phát triển, cho phép mọi người truy cập vào các thiết bị nguyên mẫu, vì vậy những nhà nghiên cứu khác có thể hưởng lợi từ công việc của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.