Công nghệ là nhân văn

07/02/2016 09:15 GMT+7

Gần 5 năm mới có dịp tiếp xúc lại với giáo dục bậc đại học ở nước tiên tiến, tôi nhận thấy rằng nhiều điều đã thay đổi do sự phát triển rất nhanh của công nghệ.

Gần 5 năm mới có dịp tiếp xúc lại với giáo dục bậc đại học ở nước tiên tiến, tôi nhận thấy rằng nhiều điều đã thay đổi do sự phát triển rất nhanh của công nghệ.

Một góc thư giãn, học tập của sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS) - Ảnh: N.AMột góc thư giãn, học tập của sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS) - Ảnh: N.A
Điều ấn tượng đọng lại trong tôi sau những ngày tham quan các khu nhà hiện đại, thư viện với thiết bị mới, phòng thí nghiệm tối tân... một trường ĐH ở Úc trong tháng 11.2015 vừa qua là không gian nơi sinh viên tự học hay các phòng học được thiết kế để tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học. Đó vừa là nơi để học nhưng cũng để thư giãn, trao đổi với thầy cô, bạn bè; không gian thoáng, bàn ghế thiết kế thoải mái, đa dạng với nhiều kiểu phá cách; có máy tính được kết nối mạng; ổ cắm ở tất cả mọi nơi; bảng ghi chép… Có không gian mở dành cho nhiều nhóm. Có chỗ chia thành nhiều ô riêng tư cho một - hai người hoặc từng nhóm… Đó là những phòng học hình oval hoặc xoay 360 độ để sinh viên ngồi bất kỳ đâu hoặc giảng viên đứng bất kỳ chỗ nào cũng tương tác với nhau được.
Những sinh viên tôi tiếp xúc đều cho rằng thích thú học trong những môi trường như thế này. Chiều tối nhưng thử đi một vòng trong khuôn viên các trường ĐH ở Úc, cuộc sống học đường vẫn không ngừng trôi. Thư viện vẫn đông người, phòng thí nghiệm vẫn sáng đèn, các góc học tập vẫn còn sinh viên chăm chú với công việc, phòng tập thể dục vẫn rộn ràng... Mọi thứ vẫn chạy đều đặn dù một ngày sắp kết thúc.
Công nghệ là nhân văn 1
Tôi nghĩ về trường ĐH ở bên nhà. Sau giờ học chính thức, hầu như các trường học sẽ đóng cửa, thư viện cũng hạn chế giờ phục vụ, góc học tập thì không có... Vậy nên cứ hết giờ học, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường của sinh viên như dừng lại. Môi trường, không khí học tập, nghiên cứu trong trường ĐH ở Việt Nam vì thế vẫn còn rất khác biệt, rất xa với các nước tiên tiến cho dù chúng ta có thể tiếp cận công nghệ cùng một lúc với thế giới. Tôi càng hiểu tại sao nhiều sinh viên Việt Nam ở đây cho rằng điều họ tâm đắc nhất khi ra nước ngoài học tập chính là môi trường. Ở đó họ biết mình muốn gì và mình sẽ làm gì.
Tháng 10.2015 vừa qua, chuyện cô giáo dạy môn sinh một trường tiểu học ở một thị trấn nhỏ của Hà Lan mặc bộ quần áo bó vẽ hình các bộ phận của cơ thể người để dạy học sinh có cái nhìn trực quan về cơ thể con người trong bộ dạng con người. Việc này trở thành một sự kiện, lan tỏa khắp thế giới. Thay vì trực tiếp dùng kỹ thuật, công nghệ, thông qua máy móc để dạy cho học sinh về cơ thể người, cô giáo này chỉ nhờ công nghệ để có cách tiếp cận với học sinh gần gũi nhất, cổ điển nhất nhưng lại tạo bất ngờ và thích thú cho người học. Chỉ vậy thôi, không cần chi cao xa, chỉ cần chạm tới được trái tim người học thì sẽ khiến họ say mê tìm tòi, học hỏi.
Vậy đó. Con người làm ra công nghệ nhưng đôi khi lại lạm dụng nó mà quên rằng phải đưa công nghệ vào những nhu cầu nhân văn thì mới thấy hết giá trị của nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.