Công nghệ số 'phủ sóng' bảo tàng

16/08/2023 07:27 GMT+7

Sáng 15.8, tại hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức ở TP.HCM, các chuyên gia đã bàn về việc đẩy nhanh chuyển đổi số "phủ sóng" bảo tàng, góp phần thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa.

Thạc sĩ Lưu Thị Tuyết Trinh (Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM) phát biểu: "Thời gian gần đây chúng ta nghe nói đến các thuật ngữ "chuyển đổi số", "số hóa", "ứng dụng công nghệ"…, nhưng mỗi nơi, mỗi thời điểm, nhận thức còn nhiều khác biệt. Do đó, việc định hướng cho hoạt động chuyển đổi số là cần thiết. Bảo tàng chúng tôi hiện đã số hóa được 18.756 tài liệu, hiện vật và đang tiếp tục thực hiện từng bước để số hóa hồ sơ, nhằm phục vụ lưu trữ và khai thác nội dung".

Nói về các tiện ích thời 4.0, bà Tuyết Trinh trình bày: "Với công nghệ 3D bây giờ, khách tham quan chỉ cần click chuột theo hướng dẫn là có thể thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu từng khu vực trưng bày hiện vật. Tương tác trực tiếp trên phần mềm như xoay, phóng to, thu nhỏ… tùy ý, mang lại cảm giác đặc biệt mà khó có thể trải nghiệm trong thực tế. Phần mềm còn cho phép tích hợp các thông tin đa phương tiện như text, video, nhạc… Chưa kể, bảo tàng ảo sống động, trực quan, thông tin phong phú cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội, kết nối sâu rộng đến những người quan tâm".

Công nghệ số 'phủ sóng' bảo tàng - Ảnh 1.

Các tham luận đều khẳng định xu thế tất yếu phải phát triển, đầu tư bảo tàng số

QUỲNH TRÂN

Không chỉ đơn thuần đứng xem các hiện vật, đọc các chú thích một cách thụ động như trước đây, cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, khách tham quan có xu hướng đòi hỏi cao hơn, đó là việc cảm nhận kỹ hơn các hiện vật: âm thanh, chất liệu, mùi… và đặt các câu hỏi tương tác.

Thạc sĩ Trần Nam Phi (Bảo tàng Tôn Đức Thắng) khẳng định: "Hoạt động trưng bày, triển lãm, công nghệ rõ ràng càng làm tăng tính hấp dẫn trong việc giới thiệu các nội dung chuyên đề, giúp công chúng tiếp cận bảo tàng một cách dễ dàng với hình ảnh gần như thật. Bảo tàng chúng tôi còn sử dụng phần mềm Myaloha, Google form, mã QR tổ chức các cuộc thi trực tuyến thu hút nhiều người tham gia, thực hiện các bài podcast giới thiệu sách về Chủ tịch Tôn Đức Thắng đăng trên những nền tảng số, tạo sức hút đến công chúng".

Mang đến câu chuyện bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể từ công nghệ số, thạc sĩ Nguyễn Quang Huy (Bảo tàng TP.HCM) ghi nhận: "Các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là lễ hội, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, khi được tư liệu hóa sẽ là nguồn tài liệu phong phú, chân thực và sống động dành cho các bảo tàng, các nhà khoa học và nhiều đối tượng khác nghiên cứu, tìm hiểu một cách chủ động và lâu dài".

Là một trong những đơn vị đi đầu trong đầu tư công nghệ số, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thường xuyên làm mới các nội dung trưng bày, đáp ứng mọi nhu cầu tìm hiểu để thu hút người xem.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: "Một hệ thống màn hình chạm ở bảo tàng chúng tôi với đường truyền tốc độ cao luôn sẵn sàng đưa du khách "liên kết văn hóa" đến hiện vật và những thông tin liên quan: từ nguồn gốc, quá trình phát hiện, khai quật, kết quả nghiên cứu khoa học…, cho tới nơi hiện vật hiện hữu. Mọi thứ đều đa chiều. Hiện chúng tôi đang trình hai dự án lớn là Số hóa tiếp tục hiện vật bảo tàng và Đổi mới hệ thống trưng bày hiện đại theo hướng kết hợp công nghệ và thiết kế mỹ thuật mới, đang chờ cấp trên duyệt để bắt tay thực hiện ngay".

"Cùng với tiền của bỏ ra thì phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trẻ, giỏi, đáp ứng những thay đổi liên tục của công nghệ số để có lực lượng kế thừa, tiếp tục sự nghiệp tạo ra những "món ngon", hấp dẫn du khách khi đến với bảo tàng…, đó là những yêu cầu cấp bách mà đội ngũ những người làm bảo tàng đang băn khoăn, trăn trở", TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.