Ông Trần Văn Chín, Giám đốc VMC, cho biết công nghệ mới này đã được công ty thực hiện tại một số dự án. Trong đó có 1.000 m ống thi công ngầm ở Nhà máy cấp nước tỉnh Long An, khoan 39 đoạn băng qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Đây là phương pháp thi công không đào đường, do đó không ảnh hưởng đến mặt đường, không gây ách tắc giao thông khi thi công nơi công cộng. Quá trình thi công không làm ảnh hưởng xung quanh.
Thời gian thi công nhanh, có thể lắp đặt đường ống trong các điều kiện đất nền khác nhau. Ngoài ra, công nghệ này còn thuận lợi cho việc quản lý, sửa chữa và bảo hành các thiết bị, đường ống và dây cáp; có thể thi công qua các địa hình phức tạp như tuyến xa lộ, đường băng, đường sắt, đồi núi, lòng sông, rạch...
Đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với thi công “đào hở”, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đề nghị làm sao chuyển giao, đào tạo được kỹ thuật thi công cho các kỹ sư trong nước thực hiện, vì hiện nay việc thi công vẫn do các kỹ sư người New Zealand trực tiếp tiến hành nên chi phí cao.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng TP hiện có hệ thống công trình ngầm không đồng bộ, nhiều công trình cũ mới lẫn lộn. Việc áp dụng những công nghệ mới, phương pháp cải tạo mới là hết sức cần thiết.
Bình luận (0)