Công nghệ thực tế ảo vào nghệ thuật

14/02/2022 06:13 GMT+7

Ngày càng nhiều các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch… được tổ chức kết hợp sử dụng công nghệ thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường, mang đến trải nghiệm thưởng thức mới mẻ cho công chúng.

Những năm gần đây, lễ hội ánh sáng Countdown Lights tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành sự kiện đón năm mới không thể thiếu của người dân TP.HCM. Năm 2021, vì dịch bệnh nên lễ hội thay đổi hình thức tổ chức, với một diện mạo mới khi kết hợp giữa sản xuất truyền thống với công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR - Extended Reality). Năm 2022, lễ hội Virtual Countdown Lights là phiên bản nâng cấp của XR, đưa khán giả khám phá “vũ trụ ảo” với 3 sân khấu, mở ra xu hướng “metaverse concert” tại Việt Nam (metaverse: được ghép từ meta - vượt ra khỏi và universe - vũ trụ, tạm dịch là một vũ trụ ảo nơi con người “tồn tại” trong đó chứ không chỉ nhìn vào).

Hình ảnh sân khấu tiết mục của Mỹ Anh trước (trái) và sau khi có hiệu ứng virtual trong Virtual Countdown Lights 2022

Ivy+Partners

Diễn ra từ ngày 27.12.2021, Ngày hội văn hóa đọc lần đầu tiên được thực hiện bằng công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam. Theo đó, chỉ cần quét mã QR, bất kỳ ai ở đâu lúc nào cũng có thể tham gia, tiếp cận dễ dàng những nội dung, tài liệu quý, khám phá nhiều không gian văn hóa… cũng như trải nghiệm những tiện ích thú vị trên nền tảng thực tế ảo. Theo ban tổ chức (Sở VH-TT TP.HCM - cơ quan thường trực Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM), sự kết hợp giữa thực tế và không gian ảo giúp kết nối hiệu quả những người yêu sách, ham thích đọc, cũng như lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc kết hợp công nghệ thực tế ảo tổ chức các sự kiện được cho là lựa chọn an toàn, tiện lợi. Bằng chứng là rất nhiều triển lãm tranh kết hợp công nghệ thực tế ảo đã diễn ra trong thời gian gần đây: triển lãm 0 thiết yếu (người dùng chỉ cần tải ứng dụng Seensio, tạo nhân vật, sau đó tham gia sự kiện, tự do di chuyển và thăm thú không gian cũng như chiêm ngưỡng tận mắt các tác phẩm tranh theo cách hết sức “riêng tư” và đầy thú vị); triển lãm “Xon xao” in Saigon (triển lãm thiết kế đồ họa kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường, khách tham quan không chỉ thưởng thức tranh ở dạng tĩnh mà còn cảm nhận được sự chuyển động và tương tác cùng tác phẩm khi quét điện thoại thông minh, máy tính bảng đã cài app XonXao); triển lãm thực tế ảo Lời thiên thu gọi giới thiệu 32 bức tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long…

Không chỉ vậy, công nghệ này cũng không còn lạ với các hoạt động của ngành du lịch, qua Triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang diễn ra trong 4 kỳ; Ngày hội du lịch trực tuyến TP.HCM (cho phép khách tham quan các gian hàng, mua sắm… từ xa thông qua công nghệ VR360), hay không gian Tết Ta trên nền tảng thực tế ảo để phục dựng các giá trị tết truyền thống và giúp những ai xa quê (không thể về vì dịch) có thể gặp gỡ người thân của mình trong thế giới ảo mà không thiếu cảm xúc này, được mở từ 27.1.

Hình ảnh trong triển lãm 0 thiết yếu

J.K

Ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống

Theo một số nhà tổ chức sự kiện, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào ngành công nghiệp âm nhạc cũng như hoạt động văn hóa, du lịch… trong bối cảnh hiện nay (khi dịch bệnh vẫn đang tác động đến đời sống) là sự lựa chọn hợp thời, và sẽ phát triển song song với hình thức tổ chức truyền thống (trực tiếp). Bằng chứng là buổi hòa nhạc ảo trên Roblox (nền tảng trò chơi trực tuyến) của rapper Lil Nas X thu hút 33 triệu lượt xem hay concert online BTS ứng dụng công nghệ AR/XR (năm 2020) thu hút gần 1 triệu người xem từ 191 quốc gia, vùng lãnh thổ và 2,7 triệu người xem cùng lúc (với concert trực tuyến 2021), mang về cho họ hàng chục triệu USD. Trong khi đó, chương trình Virtual Countdown Lights mới đây, theo nhà tổ chức, đã thu hút hơn 900.000 lượt xem trực tuyến đêm 31.12.2021 và khoảng 2,5 triệu lượt tương tác trên các nền tảng. Còn với các triển lãm du lịch trên nền tảng online, khách hàng, người tham quan vẫn có thể chốt đơn, mua sắm như thường.

Cũng cần nói thêm, việc xây dựng triển lãm, sự kiện trong “vũ trụ ảo”, theo nhìn nhận của anh Lê Anh Quân - Giám đốc Sản phẩm của JK Technologies, công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nội dung và ứng dụng công nghệ VR - thực tế ảo, AR - thực tế tăng cường, “thực sự đã đạt được hiệu quả về mặt cảm xúc cho những người tham gia”. Chẳng hạn, tại triển lãm thực tế ảo 0 thiết yếu, nền tảng Seensio (do JK Technologies phát triển) đã mô phỏng toàn bộ cảm giác ngoài đời thực của cuộc triển lãm, và người tham gia được trải nghiệm theo ý đồ của người tổ chức, tương tác trực tiếp với người tham gia khác, cũng như đàm đạo trực tiếp với tác giả của những tác phẩm được trưng bày.

Về xu hướng này, anh Lê Anh Quân cho rằng: “Vũ trụ ảo” đang dần trở thành không gian số thiết yếu cho các sự kiện văn hóa, du lịch với những ưu điểm: khả năng tiếp cận số đông người dùng trên toàn thế giới mà không bị giới hạn về mặt địa lý hay thời gian; tiết kiệm chi phí, xây dựng một lần và trải nghiệm mãi mãi; khả năng bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật khi các nội dung được chuyển đổi số và lưu trữ đám mây... Ngoài ra, theo anh Quân, với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Meta (Facebook), Apple, Microsoft..., metaverse đang dần phổ biến trong tất cả các lĩnh vực và sẽ sớm trở thành nền tảng công nghệ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.