5 lý do biến Huawei thành 'cơn ác mộng' với Mỹ và đồng minh

10/12/2018 11:42 GMT+7

Theo MIT Technology Review , nỗi lo lớn nhất về hãng viễn thông Huawei chính là bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để tiến hành phá hoại trong trường hợp khủng hoảng.

Việc Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada, có liên quan đến yêu cầu dẫn độ về Mỹ, đang làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung Quốc những ngày này.
Hôm 7.12, tòa án Canada cho hay yêu cầu bắt CFO Huawei liên quan đến cáo buộc Huawei sử dụng Skycom Tech, doanh nghiệp liên quan đến các hãng viễn thông Iran, để bán thiết bị đến nước này từ năm 2009 đến năm 2014, làm trái lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran. Phía Bắc Kinh cho rằng việc bà Mạnh bị bắt gữ là vi phạm nhân quyền, yêu cầu trả tự do cho bà trước khi triệu tập cả đại sứ Canada và Mỹ ở Trung Quốc lên nói rõ vụ việc.
Đằng sau sự biến nóng này là “hậu trường” kéo dài nhiều năm xoay quanh nỗi lo của nhiều cơ quan tình báo phương Tây. Họ sợ rằng Huawei là mối đe dọa đáng kể với an ninh thế giới. Dưới đây là năm mối lo lớn nhất xoay quanh “nhà vô địch” công nghệ Đại lục.
Thiết bị của Huawei có thể có “công tắc chết người”
Hãng Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, được nhiều nhà mạng di động dùng sản phẩm cho mạng không dây. Các mạng lưới này mang theo dữ liệu dùng để kiểm soát lưới điện, thị trường tài chính, hệ thống giao thông và nhiều phần khác trong cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Quan ngại ở đây là quân đội và tình báo Trung Quốc có thể đưa phần mềm hoặc phần cứng “cửa hậu” vào thiết bị của Huawei, từ đó khai thác, làm giảm hoặc vô hiệu hóa mạng lưới không dây của nước ngoài trong trường hợp khủng hoảng. Đây là lý do khiến Mỹ chặn thiết bị Huawei.
Từ năm 2010, Anh có trung tâm đặc biệt có nhân viên gồm thành viên của cơ quan tình báo tín hiệu GCHQ, nhằm kiểm tra thiết bị của Huawei trước khi triển khai chúng. Đầu năm nay, trung tâm này cảnh báo rằng họ “chỉ đảm bảo giới hạn” rằng thiết bị của Huawei không gây ra mối nguy an ninh. Theo báo cáo, trung tâm phát hiện một số code của Huawei hoạt động trên mạng lưới thật khác với lúc được thử nghiệm. Một số nhà cung ứng phần mềm của Huawei bị kiểm soát chặt chẽ.
“Cửa hậu” được dùng để xâm nhập vào dữ liệu
Huawei tuyên bố thiết bị của hãng kết nối hơn 1/3 dân số thế giới. Chúng cũng xử lý lượng lớn dữ liệu cho doanh nghiệp. Đây là lý do vì sao giới tình báo phương Tây một lần nữa e sợ về việc “cửa hậu”, thông qua thiết bị của Huawei, có thể được dùng để truy cập vào thông tin nhạy cảm. Hoạt động này khó bị phát hiện. Huawei không chỉ làm thiết bị, hãng còn kết nối không dây thiết bị với nhiều bản nâng cấp hoặc bản vá sửa lỗi. Phương Tây lo rằng kết nối từ xa nói trên có thể bị gián điệp mạng Trung Quốc khai thác.
Huawei cũng là một trong các hãng sản xuất smartphone và thiết bị tiêu dùng lớn nhất thế giới. “Danh hiệu” này một lần nữa kéo cao khả năng rằng Trung Quốc có thể dùng sản phẩm của hãng để thu thập tin tức gián điệp. Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu cửa hàng bán lẻ tại các khu căn cứ quân sự Mỹ ngừng bán điện thoại Huawei và ZTE, một hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, vì cho rằng chúng có thể bị tấn công, làm lộ địa điểm và việc di chuyển của quân nhân.
Tham vọng mạng 5G khiến mọi thứ tồi tệ hơn
Nhiều hãng viễn thông toàn cầu chuẩn bị tung ra thế hệ mạng di động không dây kế tiếp là 5G. Không những tăng tốc độ truyền dữ liệu, mạng 5G còn cho phép xe tự hành “giao tiếp” với nhau và với các vật thể khác như đèn giao thông. 5G cũng sẽ kết nối và điều khiển số lượng lớn robot làm việc tại nhà máy và nhiều nơi khác. Trong quân đội, chúng được dùng cho tất cả các loại ứng dụng.
Tiềm năng này sẽ mở rộng đáng kể số lượng thiết bị được kết nối, đồng thời gia tăng khả năng hỗn loạn xảy ra trong trường hợp mạng lưới hậu thuẫn thiết bị bị hack. Khả năng tấn công mạng 5G còn đẩy cao lượng dữ liệu doanh nghiệp và các dữ liệu khác mà tin tặc có thể nhắm vào. Cả Úc và New Zealand gần đây đều cấm dùng thiết bị của Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng 5G mới.
Trung Quốc đưa công nghệ tới các nước bị Mỹ cấm vận
Mỹ đang điều tra cáo buộc rằng Huawei vận chuyển sản phẩm với thành phần công nghệ Mỹ đến Iran và nhiều nước khác chịu lệnh cấm vận từ Mỹ. Trong phiên tòa vừa diễn ra ở Canada, luật sư của chính phủ quốc gia Bắc Mỹ nói rằng bà Mạnh bị buộc tội vì nói với các chủ ngân hàng Mỹ rằng không có sự liên kết giữa Skycom và Huawei, trong khi thực tế là có. Việc này khiến các ngân hàng thực hiện giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lập luận doanh nghiệp nước này không bị ràng buộc bởi sắc lệnh thương mại của một quốc gia khác.
Huawei không “miễn dịch” với chính phủ Trung Quốc
Huawei nhiều lần nhấn mạnh họ là doanh nghiệp tư nhân, ngụ ý rằng họ không có động cơ gì tự khiến khách hàng mất niềm tin vào sản phẩm của mình. Song cấu trúc quản trị của Huawei vẫn là ẩn số. Nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei từng là sĩ quan quân đội Trung Quốc. Ông khá kín tiếng. Chuyên gia an ninh mạng Adam Segal thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York cho rằng thực tế này “khiến nhiều người băn khoăn liệu Huawei độc lập đến mức nào”.
Huawei tự vệ bằng cách chỉ ra thực tế rằng không nhà nghiên cứu bảo mật nào tìm thấy “cửa hậu” trong sản phẩm của hãng. "Có lo ngại, song chưa có đầu khẩu súng nào bốc khói cả”, chuyên gia Paul Triolo của Eurasia Group nói. Nhận định này đúng, song không thay đổi được quan điểm của Mỹ. Mỹ đang tích cực thuyết phục đồng minh đẩy hết sản phẩm Huawei ra khỏi mạng lưới quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.