Airbus khai tử máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380
15/02/2019 14:47 GMT+7
Nhà sản xuất máy bay châu Âu vừa tuyên bố chấm dứt chương trình máy bay siêu lớn A380, chỉ 12 năm sau khi tàu bay này cất cánh.
Tự động phát
Theo CNN, tương lai máy bay phản lực thương mại lớn nhất thế giới từ lâu đã là dấu hỏi lớn sau khi rõ ràng là nó chỉ dựa vào khách hàng duy nhất: Hãng hàng không Trung Đông Emirates. Đến hôm 14.2, Airbus chính thức tuyên bố ngừng giao các mẫu A380 từ năm 2021 sau khi Emirates hủy đơn hàng đặt A380.
“Đây là quyết định đau lòng. Chúng tôi đầu tư rất nhiều nỗ lực, tài nguyên và mồ hôi vào mẫu máy bay này, song rõ ràng là chúng tôi cần phải thực tế. Với quyết định giảm đơn hàng từ Emirates, tình hình đơn hàng tồn đọng của chúng tôi không còn đủ để duy trì sản xuất”, CEO Airbus Tom Enders cho hay.
Quyết định này có thể ảnh hưởng đến 3.500 nhân viên tại nhiều cơ sở sản xuất của Airbus trên bốn nước lớn ở châu Âu trong ba năm tới. Airbus A380 có chi phí phát triển là 25 tỉ USD, lần đầu cất cánh thử nghiệm cách đây 14 năm.
|
Dù vậy, khoản cược vào mẫu máy bay “khủng”, có thể chở đến 853 hành khách giữa các sân bay lớn thế giới không đem lại trái ngọt. Tính đến hôm nay, Airbus giao 234 chiếc A380, chưa đầy 1/4 mức 1.200 chiếc mà hãng dự báo sẽ bán được khi lần đầu ra mắt nó.
CNBC cho biết chương trình A380 chính thức khởi động từ tháng 6.1994, là câu trả lời của hãng chế tạo máy bay châu Âu trước mẫu Boeing 747. Trong khi Boeing 747-8 chở được 470 hành khách, A380 chở tối thiểu 500 hành khách. Đến với hãng hàng không Emirates, nó được tái cấu hình để chở đến 600 hành khách.
Số lượng ghế khổng lồ của A380 được xem là chìa khóa để giải phóng tình trạng quá tải trong giao thông hàng không ở một số sân bay lớn như Heathrow ở London, JFK ở New York và O’Hare ở Chicago. Mỗi chiếc A380 có giá công khai 445 triệu USD, dù các hãng bay thường thương lượng lại để được giảm giá.
|
Đến tháng 4.2005, chuyến bay A380 đầu tiên cất cánh tại Toulouse (Pháp). Nó đi vào phục vụ thương mại vào tháng 10.2007 với Singapore Airlines. A380 lúc này được dùng cho chặng bay từ Singapore đến Sydney (Úc). British Airways, Air France, Emirates và Air China là vài trong số 13 hãng bay có mẫu A380. Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi chưa từng có hãng hàng không đặt mẫu này.
Ban đầu, phản hồi của khách hàng rất tích cực vì tàu bay có thêm không gian, quầy bar và một chút yên tĩnh. Các hãng bay cũng nhận ra rằng họ có thể tính thêm phí khi khách hàng hài lòng và săn lùng chuyến bay với A380. Tuy nhiên theo thời gian, A380 bị lu mờ bởi các mẫu mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn như Airbus A350 và Boeing 787 Dreamliner.
Máy bay nhỏ nhẹ hơn, dùng nhiên liệu hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong bối cảnh kỳ vọng số lượng hành khách hàng không không tăng mạnh như dự báo. Rất ít chặng bay có thể khiến A380 vận hành hết khả năng vận chuyển. Ngoài ra, ngành hàng không cũng bắt đầu chú ý hơn đến máy bay có thể bay chặng dài, không cần trung chuyển.
Airbus
Emirates
hàng không
khai tử
A380
Máy bay thương mại
Singapore Airlines
Boeing 787 Dreamliner
máy bay chở khách
boeing 747
lớn nhất
Bình luận (0)