Ant Financial gọi vốn 14 tỉ USD để mở rộng ra quốc tế

10/06/2018 10:22 GMT+7

Ant Financial, công ty thanh toán của hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, vừa hoàn tất vòng gọi vốn tổng cộng 14 tỉ USD từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo CNBC, số tiền thu được một phần đến từ số vốn góp nhân dân tệ chủ yếu của các cổ đông hiện hữu, và một phần đền từ số vốn góp đô la Mỹ từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Temasek, quỹ đầu tư Malaysia Khazanah Nasional Berhad và quỹ Canada Kế hoạch đầu tư lương hưu. Các hãng cổ phần tư nhân như Warburg Pincus, Silver Lake Partners và General Atlantic cũng tham gia vào việc góp vốn USD.
Công ty có trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc) không tiết lộ định giá mới nhất của họ, song nhiều nguồn thạo tin trước đó nói với Forbes rằng hãng hiện có giá 150 tỉ USD. Điều này giúp Ant Financial trở thành hãng startup công nghệ tư nhân có giá trị cao nhất thế giới, cao hơn định giá của Uber Technologies. Trước đó, Ant Financial có định giá 60 tỉ USD sau khi gọi vốn kỷ lục 4,5 tỉ USD trong năm 2014.
Doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ có ý định sử dụng số tiền gọi vốn được để thúc đẩy kế hoạch toàn cầu hóa, đầu tư phát triển công nghệ. Công ty vận hành ứng dụng Alipay, quỹ thị trường tiền tệ Yu’e Bao và chi nhánh ngân hàng trực tuyến ở Trung Quốc đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng toàn cầu.
Gần đây, họ mua cổ phần trong một số hãng tài chính ở châu Á, trong đó có cả dịch vụ chuyển tiền bKash của Bangladesh và Telenor Microfinance Bank của Pakistan, trong khi cũng thử nghiệm phiên bản địa phương của Alipay ở Hồng Kông, thông qua liên doanh với hãng CK Hutchison Holdings của tỉ phú Lý Gia Thành.
Chủ tịch kiêm CEO Ant Financial Eric Jing cho hay: “Chúng tôi cam kết xây dựng hệ sinh thái với tất cả đối tác ở Trung Quốc và xa hơn nữa”. Hiện Ant Financial cũng định vị mình là nhà cung cấp công nghệ tiên tiến, có thể giúp hãng có thêm doanh thu trong tương lai. Gần đây, công ty ký thỏa thuận để cung cấp nhận dạng sinh trắc học và hệ thống quản lý rủi ro kích hoạt bởi trí tuệ nhân tạo (AI) cho vài ngân hàng Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Everbright Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải.
Một số giao dịch gần đây cũng giúp giảm bớt áp lực mà các nhà quản lý đặt lên Ant Financial. Công ty này đã và đang khiến các nhà chức trách phải giám sát chặt chẽ mảng cho vay trực tuyến và quản lý tài sản. Giới chức lo ngại rằng các dịch vụ của Ant Financial đang hút tiền ra khỏi các ngân hàng quốc doanh, đẩy cao đòn bẩy không mong muốn trong nền kinh tế vốn đã chồng chất nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.