Ở Việt Nam không thiếu các mạng xã hội xưng danh là mạng xã hội Việt, nhưng rất ít trong số đó tồn tại được quá một năm trước khi phải khai tử. Zalo.vn (và sân sau Zing.me) có lẽ là mạng xã hội thành công nhất của Việt Nam, đáng tiếc là mạng xã hội này từng dính nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ khi giới lập trình viên giải mã và chỉ ra sự liên hệ của mã nguồn Zalo với mạng xã hội Wechat phổ biến ở Trung Quốc.
Zing.me
|
Nở rộ và thành công sau đó phải kể tới Zing.me, một mạng xã hội phát triển mạnh vào thời điểm game online đổ bộ vào Việt Nam và đứng sau Zing.me lúc đó không ai khác là một công ty chuyên về phát triển game là VinaGame (hiện đã đổi tên thành VNG).
Do đặc thù, Zing.me phát triển tập trung và xoay quanh các game online nên đối tượng tham gia của nó chủ yếu là các game thủ, hiện hệ sinh thái của Zing.me đã trở nên phong phú khi cung cấp cả kho ứng dụng (chủ yếu là game) cho thành viên. Hạn chế của Zing.me nằm ở chỗ nó tập trung cho game thủ, nên nội dung lẫn giao diện của nó không phù hợp với phần đông người dùng như Yahoo Blog hay các mạng xã hội khác.
Zalo
Zalo không chính thức đăng ký hoạt động mạng xã hội nhưng từ “mạng xã hội Zalo” luôn được Zalo nhắc tới trong các thông cáo báo chí của Zalo Group gửi đến giới truyền thông. Khác với anh em Zing.me cùng nhà VNG, Zalo được phát triển từ một ứng dụng chat đa phương tiện (OTT) và dần mở rộng tính năng chia sẻ thông tin trên tường theo dòng thời gian (timeline) tương tự các mạng xã hội chính thức khác. Zalo hiện đã thu hút được hơn 100 triệu tài khoản người dùng tại Việt Nam.
|
Điểm mạnh của Zalo là sự riêng tư, theo mặc định nội dung phần bình luận của người khác chỉ hiển thị cho người xem nếu họ đã kết bạn với nhau. Đại diện Zalo từng chia sẻ rằng, họ đã từng có ý định mở rộng khả năng theo dõi bình luận như Facebook nhưng vì muốn tạo ra sự khác biệt nên tiếp tục duy trì chính sách riêng tư này. Bên cạnh sự riêng tư, mạng xã hội này có hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh và đặt ở trong nước nên việc truy cập rất nhanh, cùng với giao diện mặc định bằng tiếng Việt thân thiện người dùng nên đã thu hút được nhiều người sử dụng.
Zalo hiện cũng cung cấp đầy đủ các tính năng phổ biến của một mạng xã hội, bao gồm: Nhắn tin, gọi điện (thoại và video), chia sẻ đa phương tiện trên dòng thời gian, chat nhóm, thanh toán qua Zalo Pay… Hiện mạng xã hội này còn mở rộng vào các hoạt động hành chính công ở một số tỉnh thành trong cả nước.
Số phận “người mới” Biztime, Gapo, Lotus… liệu có khác?
Gần đây, Biztime là một mạng xã hội liên kết với ví điện tử dựa trên công nghệ blockchain và Big Data. Mạng xã hội này lập ra với kỳ vọng… thay thế Facebook trong tương lai và hiện hỗ trợ các nền tảng website, Android và iOS. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi truy cập vào mạng xã hội này có thể thấy tham vọng của họ gần như xa vời. Giao diện sao chép y hệt Facebook, thiếu sự tham gia của người dùng và không có sự mới mẻ nào so với Facebook và các mạng xã hội khác khiến Biztime trở nên vắng vẻ và lạc lõng. Ngày đóng cửa của mạng xã hội này có lẽ không còn xa, nhất là trong bối cảnh phong trào tiền ảo đang lắng xuống.
Sau Biztime, Gapo cũng nổi lên khi ra mắt vào tháng 7.2019 và là một mạng xã hội được mạnh tay đầu tư với tham vọng thu hút 50 triệu người dùng sau ba năm thành lập. Tuyên bố được một quỹ đầu tư (cùng công ty mẹ) rót vốn 500 tỉ đồng, mạng xã hội này đưa ra những tính năng khá mơ hồ như chia sẻ thu nhập cho người dùng dựa trên lượt xem và dần im hơi lặng tiếng sau sự cố “sập mạng” ngay sau buổi chiều ra mắt. Điểm yếu của mạng xã hội này là chỉ có ứng dụng trên iOS và Android, chưa hỗ trợ nền tảng web.
Bên cạnh đó, nghi án “copy” điều khoản thỏa thuận người dùng từ Google cũng khiến hình ảnh của Gapo trở nên thiếu nghiêm túc trong mắt người dùng. Hiện mạng xã hội này vẫn hoạt động bình thường nhưng chủ yếu là các tài khoản và lượt tương tác ảo, có lẽ con số 50 triệu người dùng trong vòng 3 năm tới sẽ là một cái đích “viển vông” nếu Gapo không có sự đổi mới nào đáng kể trong thời gian tới.
|
Mới nhất, mạng xã hội Lotus của VCCorp lập ra được tuyên bố thu hút tới 1.200 tỉ đồng gọi vốn và dự kiến sẽ bắt đầu cho phép tải bản beta từ giữa tháng 9 tới. Mạng xã hội này dự kiến sẽ tập trung khai thác nội dung, tặng token người dùng… nhằm tạo ra khác biệt với Facebook và các mạng xã hội khác. Tuy chưa ra đời, nhưng đã có không ít ý kiến lo ngại Lotus tiếp tục đi theo vết xe đổ của các mạng xã hội Việt trước đó, các lo ngại này không phải là không có cơ sở khi những ý tưởng mà VCCorp đưa ra không có gì mới mẻ và còn khá mơ hồ, dù theo tuyên bố của họ đã có 200 kỹ sư tham gia phát triển.
Những mạng xã hội đã đi vào dĩ vãng…
Mạng xã hội là cuộc chơi đòi hỏi sự đầu tư tiền của và sự sáng tạo về nội dung để thu hút người dùng tham gia, nếu không có người dùng và nội dung của họ chia sẻ thì mạng xã hội khó mà tồn tại. Đó là lý do nhiều mạng xã hội ở Việt Nam ra mắt rình rang nhưng rồi dần rơi vào quên lãng và buộc phải ra đi không kèn không trống.
Sau Zalo, một số mạng xã hội khác manh nha lập ra với mong muốn tạo được khác biệt nhưng đều… chết yểu với hàng tá lý do, từ vi phạm nội dung nhạy cảm cho tới việc không thu hút được người dùng hoặc đơn giản là không hợp thời nữa. Sự chết yểu này phổ biến đến mức có một thời cứ có mạng xã hội Việt nào ra đời là người dùng lại dự đoán được cái kết tất yếu của nó.
Khởi nguồn của mạng xã hội ở Việt Nam có thể kể đến là Trí tuệ Việt Nam Online ra đời trong bối cảnh Việt Nam mới mở cửa đón làn gió internet, đây cũng là mạng xã hội góp phần định hình xu hướng mở rộng giao tiếp qua mạng của giới trẻ Việt Nam một thời. Tuy nhiên do hạn chế về tốc độ truy cập, giao diện đơn giản (dưới dạng diễn đàn trao đổi trực tuyến) cũng như các hoạt động mạng nói chung nên sau khi hoạt động được một thời gian thì mạng xã hội này đã khai tử để mở đường cho các mạng xã hội khác.
|
Bình luận (0)