Theo MedicalXpress, nghiên cứu đánh giá tính khả thi của việc sử dụng dữ liệu cảm biến trên smartphone để xác định đối tượng có say cần sa hay không. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập từ những người trẻ tuổi dùng cần sa ít nhất 2 lần/tuần. Tình nguyện viên sẽ tự báo cáo tần suất sử dụng cần sa trong ngày và trong tuần, kết hợp với dữ liệu cảm biến trên smartphone. Cụ thể là dữ liệu di chuyển thu được từ GPS (vào thời điểm đối tượng báo cáo rằng mình bồn chồn, tăng động) và dữ liệu chuyển động từ gia tốc kế - đây là hai tính năng cảm biến quan trọng nhất để phát hiện tình trạng say cần sa của đối tượng.
Kết hợp tự báo cáo và phân tích dữ liệu cảm biến smartphone, các nhà nghiên cứu đánh giá tính khả thi của hai phương pháp phát hiện say cần sa là rất cao, có thể chính xác đến 90%. Nếu chỉ dựa vào việc báo cáo tự giác của đối tượng, độ chính xác chỉ ở mức 60%.
Tammy Chung - tác giả bài nghiên cứu đồng thời là Giáo sư tâm thần học tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Lão hóa Rutgers cho biết: "Sử dụng những cảm biến trong điện thoại của một người, chúng tôi có thể phát hiện người đó có bị say cần sa hay không và thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời".
Người rơi vào trạng thái say cần sa sẽ phản ứng chậm hơn người bình thường, ảnh hưởng đến hiệu sức làm việc, học tập, hoặc suy giảm hành vi trong lúc lái xe, dễ gây ra tai nạn giao thông. Các biện pháp xét nghiệm máu, nước tiểu, nước bọt hiện tại có nhiều hạn chế như không thể phát hiện tình trạng nhiễm độc cần sa về lâu dài, cũng không thể theo dõi triệu chứng suy giảm hành vi mà đối tượng thể hiện qua sinh hoạt hằng ngày.
Bình luận (0)