EU lập đơn vị chống mối đe dọa mạng từ Trung Quốc, Nga

24/06/2021 14:06 GMT+7

Đơn vị liên hợp mới đang lên kế hoạch bịt lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ kỹ thuật số của châu Âu.

Theo Nikkei, sự gia tăng các mối đe dọa an ninh kỹ thuật số từ Trung Quốc, Nga và các nước khác đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) thành lập Đơn vị Không gian mạng chung (Joint Cyber Unit) để phối hợp đối phó với các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong khối. Đơn vị mới dự kiến ra mắt vào năm 2022.
Hiện tại, các thành viên EU chủ yếu đối phó với mối đe dọa mạng ở mức độ riêng lẻ, trong những lĩnh vực như bảo vệ cơ sở hạ tầng 5G. Tuy nhiên, trước tình hình các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng cả về tần suất và mức độ tinh vi, EU phải tăng cường phối hợp bảo vệ an ninh, bao gồm cả những thành viên dễ bị tấn công nhất.
Theo kế hoạch chi tiết do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm 23.6, EU cũng sẽ thành lập các đội phản ứng nhanh thuộc Đơn vị Không gian mạng chung để hỗ trợ nhanh chóng cho các quốc gia đang bị tấn công. Đơn vị này sẽ đóng vai trò nền tảng cho các cơ quan thực thi pháp luật, cộng đồng ngoại giao, dịch vụ tình báo và các công ty khu vực tư nhân trên toàn khối để chia sẻ tài nguyên, kiến thức chuyên môn về các mối đe dọa mạng. Ngoài tạo điều kiện giao tiếp giữa các bên, đơn vị sẽ lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng và tổ chức các cuộc diễn tập chung định kỳ.
EC lần đầu tiên kêu gọi thành lập một đơn vị không gian mạng là vào năm 2019. Tuy nhiên, sáng kiến này đã phải vật lộn để đạt được động lực, do quyền tự chủ hạn chế của EU trong các vấn đề an ninh quốc gia và sự miễn cưỡng của các nước thành viên trong việc từ bỏ quyền hạn nhiều hơn. Theo dữ liệu từ EC, có khoảng 450 cuộc tấn công mạng, nhiều vụ trong số đó có liên quan đến Trung Quốc và Nga, nhắm vào năng lượng, tài chính và cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở EU trong năm 2019.

Nhà Trắng cảnh báo "đe dọa hiện hữu" sau vụ tấn công mạng vào Microsoft

Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa trên toàn cầu, khi ngày càng có nhiều người làm việc từ xa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhưng kết nối kỹ thuật số nhiều hơn đồng nghĩa với việc gia tăng các mối đe dọa an ninh mạng. Bệnh viện và các cơ sở kinh doanh chăm sóc sức khỏe khác cũng trở thành mục tiêu lớn hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra. Tháng 6.2020, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã chỉ trích Trung Quốc về những cuộc tấn công mạng nhằm vào các bệnh viện trong khối. Cơ quan Dược phẩm châu Âu, chịu trách nhiệm phê duyệt dược phẩm để sử dụng ở EU, bị tấn công vào tháng 12.2020. Trước đó, hệ thống y tế Ireland cũng là nạn nhân của tin tặc vào tháng 5.2020.
Theo dự báo của các nhóm ngành, có hơn 25 tỉ thiết bị trên toàn thế giới sẽ được kết nối với Internet of Things vào năm 2025, gần gấp ba con số so với năm 2018. Một phần năm trong số các thiết bị đó sẽ được đặt ở châu Âu.
Nhiều người nghĩ rằng một EU thống nhất hơn là điều cốt yếu để tăng cạnh tranh với Nga, Trung Quốc và Mỹ. “Chúng tôi đã đặt ra các mốc thời gian và cột mốc rõ ràng cho phép chúng tôi, cùng với các quốc gia thành viên, cải thiện cụ thể hợp tác quản lý khủng hoảng ở EU, phát hiện các mối đe dọa và phản ứng nhanh hơn”, Thierry Breton, ủy viên EU về thị trường nội bộ và là một trong những người xây dựng đề xuất an ninh mạng, nói.

Vụ tấn công mạng Mỹ của tin tặc Nga gây tác hại nghiêm trọng hơn tưởng tượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.