‘Gã khổng lồ’ đứng sau sự bùng nổ của Disney+ và Netflix

26/07/2021 17:00 GMT+7

Hai dịch vụ giải trí trực tuyến hàng đầu thế giới có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng gia tăng chóng mặt trong giai đoạn Covid-19 toàn cầu, nhờ đóng góp không nhỏ của dịch vụ đám mây từ Amazon Web Services (AWS).

Disney+ là dịch vụ truyền hình mới chính thức hoạt động từ tháng 11.2019 nhưng chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên lên sóng, hãng đã có tới 10 triệu tài khoản đăng ký và sau 16 tháng, công ty cán mốc 100 triệu thuê bao. “Lớn tuổi” hơn Disney+ là Netflix với hơn 207 triệu thuê bao toàn cầu.
Báo cáo riêng về Netflix cho thấy doanh thu năm 2020 của công ty này đạt gần 25 tỉ USD (tăng 5 tỉ USD so với năm 2019), trong đó khoảng 63,7% thuê bao đăng ký ngoài nước Mỹ và Canada. Người dùng dành khoảng 3,2 giờ mỗi ngày để xem các nội dung trên nền tảng này. Riêng trong tháng 1.2021, ứng dụng Netflix trên nền tảng iOS và Android được tải về tới 19 triệu lần.
Để đáp ứng nhu cầu đột biến đó mà không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng, Netflix và Disney+ chắc chắn không đủ cơ sở hạ tầng và máy chủ để lưu trữ và tải nội dung. Lúc này, giải pháp duy nhất là tìm đến các đơn vị cho thuê lưu trữ đám mây. Thực tế, cả Netflix và Disney+ đều sử dụng chung một nhà cung cấp dịch vụ là Amazon Web Services (AWS).
“Với các dịch vụ xem nội dung trực tuyến, khi doanh nghiệp sử dụng phương thức trả tiền theo nhu cầu sử dụng thực tế, họ có thể mở rộng dịch vụ khi lượng người xem đông hoặc co lại khi ít người xem và chỉ phải chi trả theo đúng những gì đã dùng. Họ cũng không cần bận tâm tới việc mở rộng, thu hẹp dịch vụ hay vấn đề hạ tầng”, bà Shweta Jain - Trưởng phòng phát triển kinh doanh, giải pháp giải trí truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của AWS chia sẻ.
Hoạt động từ năm 2006, sau 15 năm, AWS có nhiều triệu khách hàng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, cung cấp hơn 200 dịch vụ từ máy chủ lưu trữ, IoT (Internet of Things), AI… cho các ngành từ giải trí tới tài chính, ngân hàng, truyền thông… Đối tượng khách hàng của hãng cũng đa dạng, từ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả những tập đoàn lớn, danh tiếng.
Theo Trưởng phòng công nghệ AWS khu vực ASEAN Dean Samuels, trong 18 tháng qua, hãng đã hỗ trợ rất nhiều khách hàng tại Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây hoặc số hóa, triển khai nền tảng di động.
Một ví dụ được ông Dean nhắc tới khi ứng dụng đám mây là AWS có thể hỗ trợ doanh nghiệp Mcredit triển khai dịch vụ mới trong vòng 1 tháng, trong khi trước đây phải mất hơn 6 tháng nếu làm theo cách thủ công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ phải lo phần dịch vụ với khách hàng, bớt lo gánh nặng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho máy chủ.

Ông Dean Samuels - Trưởng phòng công nghệ, AWS khu vực ASEAN

Ảnh: NVCC

Tương lai của công nghệ đám mây

Ông Dean cũng chia sẻ một số xu thế của đám mây sẽ tác động vào cuộc sống của người dân và doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới trong vòng 5 năm tới, bao gồm:
- Xu thế ảo hóa, từ xa và di động được phổ biến trong cuộc sống: Đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã góp phần thúc đẩy xu thế này nhanh hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống: học hành, làm việc, giải trí. Mọi lĩnh vực như du lịch, khách sạn, thương mại điện tử, ngân hàng… đều phải thay đổi để thích ứng, tìm nguồn doanh thu mới để duy trì và phát triển. Một loạt khách hàng tại Việt Nam của AWS đang đi theo xu thế này và thành công, như VPBank với nền tảng YOLO, TNEX của MSB, hay OMT trong lĩnh vực giáo dục
- Đám mây bao trùm mọi nơi: Khách hàng ngày càng mong muốn các dịch vụ đám mây bên ngoài phạm vi AWS Region ngày càng tăng lên, và AWS đã và đang phát triển nhiều dịch vụ mới đáp ứng những nhu cầu này. Ví dụ AWS Outposts giúp khách hàng có thể triển khai các dịch vụ đám mây trong một thiết bị rack triển khai ngay trong hạ tầng của họ. Hay AWS hợp tác với các nhà mạng viễn thông để hỗ trợ họ triển khai các dịch vụ AWS qua mạng 5G tới các khách hàng đòi hỏi độ trễ thấp. Với những khu vực có kết nối chập chờn, AWS có các thiết bị AWS Snowball, Snowcone, đang được ứng dụng trong ngành tàu biển, để giải quyết vấn đề.
- Xu thế mọi thứ trở nên thông minh (Smart everything): Các giải pháp, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ AI, máy học… ngày càng phổ biến, ví dụ như Công ty Điện Quang với giải pháp ngôi nhà thông minh mang tới trải nghiệm số hóa thông minh các thiết bị gia dụng, hay Movi - ứng dụng máy học, nhận diện khuôn mặt để cung cấp các dịch vụ tài chính liền mạch, trực tuyến cho khách hàng.
- Cuối cùng là xu thế bền vững, không chỉ về mặt kinh doanh mà cả môi trường, quản trị công ty cũng như trách nhiệm của tập đoàn trong cam kết không phát thải carbon theo ESG.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.