Giới công nghệ Trung Quốc chao đảo vì đòn 'mạnh tay' của ông Donald Trump

07/08/2020 21:54 GMT+7

Không chỉ TikTok như dự định hồi đầu tháng 8, Tổng thống Donald Trump vừa quyết định thêm WeChat vào danh sách cấm hoạt động tại Mỹ. Điều này khiến cho hàng loạt hãng công nghệ của Trung Quốc chao đảo.

Ông Donald Trump vừa ký sắc lệnh cấm mọi công dân Mỹ giao thương với hai công ty là TikTok và WeChat cùng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lệnh cấm có hiệu lực lập tức và kéo dài 45 ngày với lý do quan ngại về an ninh quốc gia khi thông tin người dùng tại Mỹ có nguy cơ bị lộ và khai thác ngoài biên giới.
Theo Bloomberg, các lệnh cấm đánh dấu sự leo thang đáng kể của ông Trump trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh khi Mỹ tìm cách kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Đương kim Tổng thống Mỹ đang biến những thách thức trước Trung Quốc trở thành trọng tâm của chiến dịch tái tranh cử trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách chưa đầy 90 ngày.
Thị trường lập tức phản hồi lại hành động của Mỹ khi cổ phiếu Tencent Holding, công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng WeChat bị “thổi bay” 10% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày cuối tuần, khiến hãng mất gần 70 tỉ USD giá trị thị trường. Nhân dân tệ tại thị trường hải ngoại yếu thêm 0,45%, mức cao nhất trong 2 tuần qua.

Người Trung Quốc nổi giận: bán TikTok khi đang đà tăng trưởng là vô lý

Paul Triolo, Trưởng bộ phận Chính sách Công nghệ Toàn cầu của Tập đoàn Tư vấn rủi cho chính trị Eurasia (Mỹ) nhận định: “Đây là thời điểm khác trong cuộc ‘chiến tranh lạnh’ về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đang nhắm mục tiêu vào hai ứng dụng rất phổ biến của Trung Quốc và nói rằng chúng có vấn đề về an ninh quốc gia”.
Không chỉ WeChat hay TikTok, thị trường chứng khoán Trung Quốc nói chung và các công ty công nghệ nước này nói riêng đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm diễn ra tại Mỹ. Theo CNBC, chỉ số chứng khoán công nghệ Hang Sheng (gồm 30 tập đoàn công nghệ niêm yết ở Hồng Kông) đã giảm 2,51%. Chỉ số ChiNext (Thâm Quyến) và Star 50 (Thượng Hải) tại Trung Quốc lần lượt mất 2,4% và 3,1%.
Nhiều công ty công nghệ lập tức bị “thổi bay” hàng tỉ USD thị giá. Giá cổ phiếu SMIC, Xiaomi, ZTE và kể cả doanh nghiệp không liên quan như Alibaba cũng lần lượt giảm 8,7%, 3%, 2,58%, 3,05%. Tổng thiệt hại cho hơn 30 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lên tới cả trăm tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Trong khi ByteDance (sở hữu TikTok) chỉ bị cấm TikTok tại Mỹ thì Tencent dường như là doanh nghiệp thiệt hại nặng nề hơn dù lệnh cấm chỉ nhắc tới WeChat của công ty này. Doanh nghiệp internet khổng lồ của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào mảng kinh doanh game khi hãng sở hữu cổ phần ở những đơn vị lớn như Activision Blizzard hay Riot Games và có nguy cơ đánh mất thị trường Mỹ.
Đại diện TikTok cho biết hãng “sốc” trước lệnh cấm của Mỹ và tuyên bố sẽ theo đuổi tất cả các biện pháp khả thi để thay đổi, kể cả việc viện tới tòa án Mỹ. Còn Tencent xác nhận đang xem xét, đánh giá sắc lệnh để nắm rõ vấn đề hơn trước khi đưa ra hành động cụ thể.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng mạnh tay với Huawei và ZTE, hai hãng công nghệ viễn thông lớn của Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Ngoài ra, theo nguồn tin của Reuters, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính Mỹ cho biết các cố vấn của ông Trump đã đề nghị nên ra lệnh "đuổi cổ" các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy định kiểm toán của Mỹ.

Sau Tiktok, đến lượt WeChat lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ

Ảnh: AFP

Theo thông tin của The Guardian, WeChat hiện là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc. Vào năm 2018, dịch vụ có hơn 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Hiện tại, WeChat được xem là một "siêu ứng dụng" khi được tích hợp nhiều tính năng như: trò chuyện, thanh toán điện tử, ngân hàng, gọi xe và mua sắm trực tuyến.
WeChat thuộc sở hữu của Tencent Holdings Ltd, một tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội, giải trí và thương mại điện tử ở châu Á.
Một điều "nghịch lý" là các dịch vụ nhắn tin có nguồn gốc từ phương Tây như Facebook, Twitter và WhatsApp đều bị cấm tại Trung Quốc. Vì vậy, người dùng Mỹ buộc phải sử dụng WeChat để liên lạc với bạn bè, gia đình ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo chỉ ra rằng WeChat thiếu tính minh bạch trong việc lưu trữ, sử dụng dữ liệu người dùng, quyền riêng tư và bảo mật. Ứng dụng này yêu cầu quyền truy cập rất lớn, vì vậy nó có thể thu thập nhiều loại dữ liệu khác nhau.

Ông Trump lại đổi ý, cho bán TikTok nhưng muốn thu một phần tiền về ngân sách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.