Google bị châu Âu phạt 1,49 tỉ USD

21/03/2019 15:18 GMT+7

Đây là lần thứ ba, ông lớn công nghệ Mỹ bị giới chức Liên minh châu Âu (EU) xử phạt vì độc quyền.

Theo CNBC, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Google đặt hợp đồng độc quyền lên các chủ sở hữu trang web, ngăn họ bao gồm kết quả tìm kiếm từ đối thủ của Google. EC cho rằng điều khoản này được thay thế bằng các khoản thanh toán vào năm 2009 và trong cùng năm, Google yêu cầu các nhà xuất bản tìm sự đồng thuận cho cách quảng cáo của đối thủ được hiển thị.
Cao ủy cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager, cho rằng Google ngăn đối thủ không được cạnh tranh và đổi mới công bằng trên thị trường quảng cáo trực tuyến. “Google củng cố sức thống trị của hãng trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến, và tự bảo vệ mình khỏi áp lực cạnh tranh bằng cách áp đặt nhiều hạn chế hợp đồng chống cạnh tranh trên trang web của bên thứ ba. Đây là hành động bất hợp pháp theo quy tắc chống độc quyền của EU”, Vestager cho hay.
Phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề toàn cầu của Google, ông Kent Walker, cho biết: “Chúng tôi luôn đồng ý rằng các thị trường phát triển và khỏe mạnh có lợi cho mọi người. Chúng tôi đã thực hiện một loạt thay đổi trong sản phẩm của mình để giải quyết mối lo ngại của ủy ban. Vài tháng tới, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều cập nhật kế tiếp để mang lại khả năng được hiển thị nhiều hơn cho đối thủ ở châu Âu”.
Alphabet, công ty mẹ của Google, trước đây từng bảo vệ cách hãng sử dụng công nghệ quảng cáo. Công nghệ này đã được dùng từ năm 2006 song hiện được thay thế và chỉ là một sản phẩm nhỏ. Trong quý 4/2018, doanh nghiệp quảng cáo cốt lõi của Google ghi nhận doanh thu tăng 20% so với quý trước đó, lên mức 32,6 tỉ USD. EC cho rằng từ năm 2006 đến năm 2016, Google là cái tên mạnh nhất trong mảng quảng cáo tìm kiếm trực tuyến tại thị trường Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), với thị phần vượt 70%.
Đây là khoản phạt chống độc quyền thứ ba mà Brussels áp lên Google. Tháng 7.2018, châu Âu từng phạt Google 5 tỉ USD vì lạm dụng sức thống trị của hệ điều hành di động Android. Google cho phép các nhà sản xuất điện thoại sử dụng phần mềm nguồn mở Android miễn phí, song EU cáo buộc doanh nghiệp hưởng lợi từ các dịch vụ, trong đó có việc buộc các hãng di động phải gói sản phẩm của Google như Search Maps và Chrome vào cửa hàng ứng dụng Play. Năm 2017, EU phạt Google 2,7 tỉ USD vì thiên vị dịch vụ mua sắm của mình thay vì dịch vụ đối thủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.