Hãng công nghệ Nhật SoftBank thuận ý Mỹ để được duyệt đầu tư

13/04/2019 07:21 GMT+7

SoftBank vừa đồng ý bỏ một số ghế hội đồng quản trị, quyền tiếp cận thông tin nhạy cảm và thực hiện nhiều nhượng bộ khác để được chính phủ Mỹ thông qua các thỏa thuận công nghệ.

Theo CNBC, SoftBank phải làm thế trong bối cảnh hãng đối mặt với đạo luật mới nhằm kiềm chế giới đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Phong cách đầu tư hăng hái của SoftBank biến hãng thành cái tên thường xuyên “ghé qua” Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CIFUS). Đây là cơ quan chuyên xem xét đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về khía cạnh an ninh quốc gia và rủi ro cạnh tranh.
Marcelo Claure, giám đốc hoạt động của SoftBank, cho hay: “Chúng tôi biết các thỏa thuận sẽ được xem xét. Chúng tôi đã tuân thủ những gì chính phủ Mỹ muốn”.
SoftBank thích mua lượng lớn cổ phần trong nhiều hãng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu, dịch vụ tài chính và xe tự hành. Đây là những công nghệ Washington xem là quan trọng với an ninh quốc gia. Vì lẽ này, SoftBank lọt vào tầm ngắm của một đạo luật do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi năm ngoái nhằm mở rộng quyền hạn của CIFUS.
Việc nhường ghế hội đồng quản trị và quyền truy cập thông tin riêng sẽ giúp SoftBank hạ bớt mức độ đe dọa trong mắt CIFUS, giúp nhiều thương vụ của hãng dễ dàng được thông qua. “Chúng tôi sẽ không làm thế này nếu chúng tôi đang vận hành hoạt động doanh nghiệp. Song thực tế, chúng tôi lại đang trong mảng kinh doanh”, ông Claure giải thích về quyết định của SoftBank.
Sếp SoftBank từ chối cung cấp thông tin cụ thể về các khoản đầu tư mà hãng phải nhượng bộ hoặc bỏ bớt ghế hội đồng quản trị. Cơ quan Mỹ không có bình luận gì về thông tin liên quan đến SoftBank. Gần đây, giới chức Mỹ ngăn trở nhiều nhà đầu tư nước ngoài cố gắng rót vốn vào giới công nghệ Mỹ.
Tính đến nay, một trong các nhượng bộ mà SoftBank phải thực hiện là với khoản đầu tư vào Uber Technologies. Theo một phần thương vụ rót vốn 8 tỉ USD chốt tháng 1.2018, SoftBank sở hữu 16% cổ phần Uber, trở thành cổ đông lớn nhất và có hai ghế hội đồng quản trị. Tuy nhiên đến nay, SoftBank hoàn thành đầu tư vào Uber song chưa hoàn thành đánh giá CIFUS cần thiết để có hai ghế hội đồng quản trị.
Một năm sau khi rót 8 tỉ USD, ông Claure và Rajeev Misra, hai chuyên gia quản lý quỹ đầu tư Vision Fund 100 tỉ USD của SoftBank, không giữ ghế nào trong hội đồng quản trị Uber. Hôm 11.4, Uber khởi động kế hoạch lên sàn chứng khoán với hội đồng gồm 12 thành viên, không phải 17 như thỏa thuận trước đó. Đến thời điểm Uber lên sàn NYSE vào đầu tháng sau, SoftBank có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội vì khi trở thành doanh nghiệp đại chúng, Uber sẽ thay đổi, xóa bỏ thỏa thuận với dàn hội đồng quản trị cũ.
Mùa thu năm ngoái, SoftBank bổ sung cựu nhân viên Nhà Trắng vào dàn nhân viên ở Washington, và thuê cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Quốc hội Mỹ làm giám đốc chính sách an ninh quốc gia trong tháng 1. Tháng 3, SoftBank công bố quỹ 5 tỉ USD đầu tư vào các hãng công nghệ Mỹ Latinh, nơi hãng sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của CIFUS. SoftBank đã xem xét hơn 140 doanh nghiệp để đầu tư và có thể chốt một vài giao dịch. Tuy nhiên, ông Claure cho hay SoftBank sẽ không thoái lui khỏi việc đầu tư vào thị trường Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.