Học trực tuyến và các nỗi lo khi mạng 'chập chờn'

07/09/2021 11:27 GMT+7

Hệ thống máy chủ không đủ tải, đứt mạng cáp quang… đang khiến việc học trực tuyến của nhiều học sinh trên cả nước rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu ổn định.

Từ ngày 5.9, nhiều tỉnh thành trên cả nước cho học sinh khai giảng theo hình thức trực tuyến và bắt đầu bước vào năm học mới chính thức từ ngày 6.9. Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng đầu tiên, tình trạng kết nối không ổn định tới hệ thống lớp trực tuyến đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Tại TP.HCM, sáng 6.9, hệ thống học trực tuyến K12Online được nhiều trường sử dụng đã liên tục báo lỗi hệ thống đang bận hoặc “Đường link bạn đang tìm kiếm hiện không có”, một số trường hợp học sinh chỉ tham gia thời gian ngắn lại bị “văng” ra ngoài. Nguyên nhân được cho là hệ thống máy chủ quá tải khi lượng truy cập tăng đột biến khi học sinh đồng loạt truy cập vào cùng thời điểm.

Sốt ruột vì con vào lớp 1 học trực tuyến mà nhà chỉ có chiếc điện thoại hỏng

Bên cạnh lỗi kỹ thuật từ máy chủ của đơn vị cung cấp, việc kết nối internet để học và làm tại nhà thời gian này dự kiến bị ảnh hưởng vì sự cố đứt cáp quang biển vừa xảy ra. Cụ thể, đại diện các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cho biết từ sáng 4.9 hệ thống cáp biển AAE-1 (Asia Afriaca Europe 1) đã gặp sự cố trên nhánh S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi Singapore.

AAE-1 là tuyến cáp internet dưới lòng biển đi vào khai thác từ tháng 7.2017, đóng vai trò nâng cao chất lượng internet hướng đi châu Âu, Trung Đông và bổ sung dung lượng cũng như dự phòng hướng kết nối đi Hồng Kông, Singapore từ Việt Nam. Nguyên nhân của lần sự cố này chưa được xác định và cũng chưa có kế hoạch sửa chữa cụ thể. Trước đó, hệ thống này từng đứt phần sợi quang ở phân đoạn S1H.1 vào ngày 25.5.2021 và phải tới ngày 12.7 mới khắc phục xong.

Đại diện một ISP cho biết sự cố dự kiến gây ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối internet đi quốc tế của các nhà mạng. Để bù đắp cho phần thiếu hụt, các ISP đồng loạt triển khai phương án chuyển dung lượng sang các tuyến cáp biển và cáp mặt đất khác.

Nhiều em tham dự buổi khai giảng trực tuyến lần đầu trong đời học sinh

Phương Thúy

Dù vậy, kết nối internet vẫn chịu ảnh hưởng nhất định. Nhiều người dùng internet tại Việt Nam phàn nàn đang phải chịu tình trạng không ổn định khi dùng mạng để học và làm việc những ngày qua. Dù đã chuyển qua các ứng dụng họp, gọi nhóm khác nhau như Zoom, Google Meet, Microsoft Team… thì việc kết nối cũng chậm chạp và hình ảnh không còn rõ nét, phần tiếng thì gián đoạn do đường truyền thiếu ổn định.

Anh P.Đ.T (quận 7, TP HCM) - một họa sĩ chuyên thiết kế các dự án hình ảnh 3D cho biết mỗi tập tin công việc anh thường dùng và gửi cho khách hàng có dung lượng nhiều GB, nhưng đường truyền mạng những ngày qua tại nhà anh kém, không tải được thông báo từ các dịch vụ thường dùng nên không thể gửi được gì cho khách hàng. “Tin nhắn gửi đi không hiện được hình ảnh, các dịch vụ liên quan tới Google thì chật vật kết nối, dù tôi thay đổi đường truyền băng thông lớn hay mạng 4G đều không ăn thua. Không chỉ mạng ở nhà tôi mà bạn bè dùng dịch vụ từ các nhà cung cấp khác cũng phản ánh tình trạng tương tự”, anh chia sẻ.

Ngoài các lỗi thuộc về hạ tầng cung cấp và chất lượng kết nối do sự cố đứt cáp, học sinh, thầy cô và những người đang phải phụ thuộc vào hình thức trực tuyến cho công việc hằng ngày cũng phải đối mặt với tình trạng không tốt của chất lượng thiết bị viễn thông tại gia đình. Không ít gia đình gần nhau có thói quen chia sẻ chung một đường truyền internet vốn bình thường thì nay cũng trở thành vấn đề khi kết nối không đủ tải để chia nhỏ “gánh” nhu cầu tăng đột biến tại cùng khung giờ.

Việc thiếu hụt thiết bị công nghệ đầu cuối cũng như chất lượng của các bộ phát đang góp phần ảnh hưởng không tốt tới trải nghiệm học và làm việc trực tuyến của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên sẽ không dễ để khắc phục bởi sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến không chỉ chuyện đặt mua thiết bị mới khó khăn mà việc gọi nhân viên sửa chữa, thay thế tới tận nhà cũng gặp trở ngại trong tình hình giãn cách xã hội hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.