Huawei cảm ơn Mỹ vì PR 'miễn phí' từ ồn ào 5G, gián điệp
26/02/2019 06:48 GMT+7
Giới chuyên gia quan hệ công chúng (PR) cho rằng trường hợp Mỹ ra lệnh cấm công nghệ 5G của Huawei về bản chất có thể là tin tốt cho hãng Trung Quốc.
Tự động phát
Theo South China Morning Post, chính phủ Mỹ gần đây liên tiếp gây sức ép để các đồng minh không sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei. Nước này cũng cáo buộc hãng Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và có mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ồn ào mà Mỹ gây ra có thể vừa giúp Huawei nhấn mạnh hình ảnh doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. “Tin tức truyền thông, dù dường như tiêu cực khi kết nối Huawei với các rủi ro an ninh, ở mức độ nào đó vẫn thừa nhận Huawei là hãng đi đầu công nghệ 5G trên thế giới. Huawei có thể biến khủng hoảng thành cơ hội”, chuyên gia Andy Wong tại Chinese University of Hong Kong nhận định.
[VIDEO] Mỹ - Huawei "khẩu chiến" tại triển lãm công nghệ di động thế giới WMC
|
Trong lần xuất hiện trên truyền hình gần nhất, nhà sáng lập kiêm chủ tịch 74 tuổi của Huawei, ông Nhậm Chính Phi, cảm ơn Mỹ vì “quảng bá” Huawei. Ông còn gọi giới lãnh đạo thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là “những nhân vật vĩ đại”. “5G không được nhiều người bình thường biết đến song giờ đây, những nhân vật vĩ đại đều nói về 5G. Chúng tôi đang dần ảnh hưởng hơn, nhận được nhiều hợp đồng hơn”, ông Nhậm nói.
Những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất về Huawei đến từ Mỹ. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ không hợp tác với các nước áp dụng công nghệ của Huawei. Giữa lúc này, hãng Trung Quốc vẫn nỗ lực “đánh bóng” tên tuổi bằng chiến lược xây dựng thương hiệu. Richard Hillgrove, nhà sáng lập hãng 6 Hillgrove Public Relations ở Anh, cho rằng Huawei đang chơi trò chơi PR thông minh khi nhắm vào khán giả phương Tây.
Đơn cử, công ty tuyên bố rằng việc Huawei bị cấm khỏi 5G cũng như “giải Ngoại hạng Anh không có Manchester United” khi giải đáp lo lắng của Anh với thiết bị 5G. Chính phủ Anh dự kiến quyết định nhà cung ứng nào có thể cung cấp thiết bị cho mạng 5G quốc gia vào mùa xuân này.
|
Trên mạng, tài khoản Twitter tên #Huaweifacts vừa được mở trong nỗ lực rửa sạch tên tuổi Huawei bằng các “sự thật” về doanh nghiệp. Đến chiều 25.2, tài khoản có hơn 3.300 người theo dõi. Trên truyền hình, doanh nghiệp để nhà sáng lập Nhậm xuất hiện nhiều hơn, trả lời phỏng vấn với báo giới trong và ngoài nước để bảo vệ doanh nghiệp lẫn cô con gái Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei. Trước truyền thông, ông Nhậm luôn nhấn mạnh thông điệp: Huawei không gián điệp cho chính phủ Trung Quốc và sẽ không chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.
“Chiến lược PR và truyền thông phù hợp sẽ giúp Huawei không phải là tin tức xấu. Huawei nhìn chung tỏ ra lạnh lùng trong việc giải quyết các ồn ào gần đây”, nhà tư vấn Zhang Haizhou thuộc hãng Thụy Điển Kreab cho biết. Trong khi đó, chuyên gia Wong nhận định: “Sự xuất hiện của nhà sáng lập Huawei là cử chỉ quan trọng cho thấy Huawei xem các cáo buộc xung quanh công nghệ 5G là ưu tiên hàng đầu của hãng. Hãng muốn gửi thông điệp riêng tới các thị trường quan trọng gồm Đức và Anh, những nước vẫn chưa quyết về việc cấm thiết bị 5G Huawei”.
|
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông muốn Mỹ “thắng nhờ cạnh tranh, không phải nhờ việc chặn công nghệ tiên tiến hơn” trong cuộc đua 5G. Theo giáo sư truyền thông quốc tế Wenshan Jia tại Đại học Chapman ở Mỹ, ông Trump lo rằng chiến lược của mình trong việc xử lý Huawei có thể gây tác dụng ngược, làm tổn thương cơ hội tái đắc cử của ông. Việc Tổng thống Mỹ thay đổi thái độ với Huawei có lẽ vì tính toán chính trị nhiều cá nhân nhiều hơn là kết quả vận động hành lang hay PR của Huawei.
Bình luận (0)