Sau khi hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Mỹ thông báo ngưng hợp tác với Huawei, các doanh nghiệp tiếng tăm như nhà cung cấp chip hàng đầu châu Âu là ST Microelectronics, hãng sản xuất bộ nhớ flash lớn thứ 2 thế giới là Toshiba Memory và hãng Japan Display của Nhật đang cân nhắc xem họ có nên tiếp tục hợp tác với Huawei nữa hay không. Điều chắc chắn là các nhà sản xuất này chẳng dại gì tiếp tục làm ăn với kẻ đã bị đưa vào danh sách đen, để rồi phải đối đầu với sự trừng phạt khắc nghiệt của người Mỹ.
tin liên quan
Huawei giữa vòng vây: Vì sao Mỹ tung 'liên hoàn cước'?Google không chỉ cắt quyền sử dụng của Huawei đối với các phiên bản hệ điều hành Android mới, mà còn cấm các thiết bị di động do Huawei sản xuất được vào Google Play để tải các ứng dụng phổ biến.
Ở Trung Quốc, đây không là vấn đề lớn bởi từ lâu, Google đã bị chặn hoạt động ở đây, người dân đã có các ứng dụng thay thế như Baidu hay Tencent trên điện thoại Huawei. Nhưng bên ngoài Trung Quốc, điểm lại lịch sử công nghệ trong những thập niên vừa qua, người ta nhận ra rằng một nhà sản xuất dù nổi tiếng đến đâu sẽ không thể bán được smartphone nếu thiếu Google Play hay các dịch vụ của Google. Có thể liệt kê ra những nền tảng (platform) đã đi vào dĩ vãng như Windows 10 Mobile hay Fire Phone dùng hệ điều hành FireOS của Amazon... Tất cả đều thất bại bởi thiếu một hệ sinh thái ứng dụng phong phú và cực kỳ tiện dụng như của Google.
|
Cho nên, dù Huawei đã có biện pháp đối phó là nỗ lực xây dựng một hệ điều hành di động riêng của họ trong thời gian sớm nhất để thay thế Android sắp bị cấm thì thực sự sự việc có đơn giản thế không? Huawei có thể làm được điều đó, nhưng vấn đề quan trọng nhất nằm ở hệ sinh thái hỗ trợ cho hệ đỉều hành mới mẻ này.
Với một hệ điều hành quá mới mẻ và chưa biết triển vọng phát triển ra sao, rất khó để thu hút các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba tham gia, góp phần làm cho kho ứng dụng đó ngày càng phong phú, hấp dẫn như Google Play và Apple Store. Không thể ngày một ngày hai mà Huawei có thể tạo được một kho ứng dụng khổng lồ như của các hãng Mỹ. Do đó, cơ hội thành công của Huawei là rất thấp. Trước đây, đại gia Samsung cũng có tham vọng phát triển một hệ điều hành riêng cho di động là Tizen OS, nhưng dù đã tốn bao công sức và chi phí, họ cũng không đạt được kết quả khả quan, người dùng vẫn ưa chuộng Android và Google Play hơn.
Lệnh cấm của chính phủ Mỹ trước mắt đã ảnh hưởng trực tiếp tới mảng kinh doanh smartphone của Huawei, nhưng sự việc không chỉ gói gọn có thế. Hiện thời, sức tiêu thụ của dòng laptop MateBook do Huawei sản xuất là khá tốt. Nhưng, liệu rằng Microsoft sẽ theo bước Google và dừng bán hệ điều hành Windows 10 cho họ? Điều này rất có thể trở thành hiện thực. Bởi, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm rất dứt khoát, không cho phép bất kỳ doanh nghiệp Mỹ hợp tác với Huawei. Là một doanh nghiệp Mỹ, dù muốn dù không, Microsoft phải tuân thủ luật quốc gia.
|
Nhưng, cú đòn nặng nhất mà Huawei vừa lãnh là vào ngày 22.5 vừa qua, nhà thiết kế kiến trúc chip xử lý ARM tuyên bố ngưng mọi hợp tác với Huawei. Ít ai để ý rằng hầu hết các thiết bị di động của các hãng lớn trên thế giới đều chip do ARM thiết kế. ARM - tên cũ là Advanced RISC Machine, nay ARM Holdings, là một công ty có trụ sở ở Anh. Họ chuyên nghiên cứu thiết kế kiến trúc các chip xử lý và cấp phép cho các công ty khác sản xuất. ARM đóng vai trò quan trọng trong công nghệ thế giới, bởi phần lớn các thiết bị phục vụ đời sống từ đơn giản tới tinh vi phức tạp như máy quét vân tay, điều khiển thang máy, bộ thắng xe chống bó phanh ABS, lò vi sóng, tủ lạnh, máy điều hòa, tivi Android, smartwatch, smartphone cho tới siêu máy tính… đều dùng kiến trúc chip ARM.
tin liên quan
TSMC tuyên bố tiếp tục sản xuất chip cho HuaweiDo đó, dù Huawei tuyên bố họ sẽ tự sản xuất chip xử lý riêng của mình, vấn đề không đơn giản chỉ là thiết kế, rồi mua máy móc về sản xuất chip mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Hiện có rất ít công ty vừa thiết kế chip vừa có nhà máy sản xuất của chính mình như Intel, Samsung, và họ chỉ làm chip cho chính họ. Do đó, công ty làm chip không có nhà máy sẽ phải thuê các hãng chuyên gia công sản xuất chip.
|
Dù vậy, giải pháp có tính cơ bản và lâu dài là Huawei phải nỗ lực vượt mọi trở ngại để có thể tự thiết kế và sản xuất phần cứng lẫn phần mềm thay vì phải dựa vào công nghệ nước ngoài. Nhưng đây không phải là việc đơn giản có thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi, nếu dễ thực hiện thì các hãng lớn khác đã làm từ rất lâu rồi để khỏi lệ thuộc vào Google hay ARM, Intel. Và, cho dù nếu thành công thì Huawei cũng sẽ phải mất rất nhiều năm, và sẽ càng tụt hậu xa hơn trong cuộc đua công nghệ đang hồi khốc liệt hiện nay.
|
Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đang hồi gay cấn, thì Huawei sẽ bị cách ly khỏi nhiều nhà cung ứng phần cứng và phần mềm phương Tây có vai trò sống còn đối với sản phẩm Huawei. Hậu quả là sẽ làm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc điêu đứng trong nhiều năm tới và buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để tồn tại.
Thời gian sẽ không chờ đợi Huawei, vốn đang kẹt trong thế “thập diện mai phục, tứ đầu thọ địch”.
Bình luận (0)