Khám phá doanh nghiệp châu Á đang lăm le soán ngôi Intel

09/12/2018 15:00 GMT+7

Hơn 30 năm qua, Intel thống trị sản xuất chip, cho ra lò thành phần quan trọng nhất của phần lớn máy tính toàn cầu. Song ưu thế này đang đứng trước đe dọa từ một hãng mà nhiều người Mỹ chưa từng nghe tên.

Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) được thành lập năm 1987 để sản xuất chip cho các doanh nghiệp thiếu tiền xây dựng chip cho riêng mình. Cách tiếp cận này từng bị nhà sáng lập Advanced Micro Devices (AMD) Jerry Sanders gạt bỏ.
Song đến nay, sự hoài nghi đã nhường chỗ cho ghen tỵ vì các nhà máy TSMC phát triển mạnh, thách thức Intel ở đỉnh cao của ngành công nghiệp 400 tỉ USD. ADM mới đây cũng chọn TSMC sản xuất các vi xử lý tiên tiến nhất.
Mối đe dọa của TSMC với Intel phản ánh nhiều thay đổi trong mảng sản xuất chip. Ngày càng nhiều doanh nghiệp thuê TSMC sản xuất chip do họ thiết kế. Khách hàng của TSMC gồm cả những cái tên lớn như Apple, Qualcomm, và những doanh nghiệp vừa, nhỏ hơn như AMD, Ampere Computing.
Thế hệ vi xử lý thứ tám của Intel, Intel Core i5 Ảnh: Reuters
Sự bùng nổ của các thành phần được xây dựng kiểu này giúp TSMC có bí quyết kỹ thuật để sản xuất chip mạnh, hiệu quả và nhỏ nhất với số lượng lớn nhất. “Đây là tình huống 50 năm có một”, Renee James, người từng là sếp lớn thứ nhì Intel, nhận định. Hiện bà Renee quản lý startup Ampere, hãng chưa đầy hai năm tuổi nhưng cũng nỗ lực đuổi kịp sức thống trị chip máy chủ của Intel.
Đã hơn một thập niên kể từ ngày Intel đối mặt sức cạnh tranh lớn, và lợi thế nắm 90% thị phần xử lý máy tính được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh kỷ lục lần nữa trong năm nay. Song một số chuyên gia Phố Wall lo ngại vì TSMC thực sự có cơ hội thay thế Intel trở thành nhà sản xuất chip tốt nhất. Năm ngoái, doanh nghiệp Đài Loan lần đầu tích lũy giá trị thị trường lớn hơn đối thủ Mỹ.
Những gì các nhà đầu tư Intel lo lắng là các hãng internet lớn nhất sẽ bắt đầu sản xuất chip của riêng họ. Tuần này, hãng điện toán đám mây lớn nhất là Amazon Web Services công bố vi xử lý máy chủ riêng đầu tiên. Graviton do TSMC sản xuất, hỗ trợ phiên bản đám mây Amazon mới rẻ hơn 40% so với sản phẩm tương tự do Intel cung cấp.
Nếu không nhờ TSMC, Amazon không có lựa chọn tự làm chip, phó chủ tịch Amazon Web Services Matt Garman cho hay. “Cạnh tranh trong mảng này rất lớn”, ông Garman nhận định.
Bà Renee James Ảnh: Bloomberg
Quyền tự hào sản xuất chất bán dẫn được đánh giá bởi chiều rộng của khoảng cách giữa các đường mạch nhỏ giúp chip thực hiện chức năng. Thu hẹp khoảng cách đó, vốn thường được đo bằng nanomet, giúp chip đếm nhanh, dùng ít năng lượng, trữ nhiều dữ liệu hoặc đơn giản chỉ là rẻ hơn.
Trong các vi xử lý cao cấp nhất, phân khúc mà Intel kiếm nhiều tiền nhất, khoảng cách trên chip được xem trọng. Một bộ vi xử lý máy chủ Xeon có hàng tỉ bóng bán dẫn được đưa vào không gian nhỏ như tem bưu chính.
Intel là hãng đầu tiên dùng công nghệ 14 nanomet trên quy mô lớn vào năm 2013, theo ngân hàng Goldman Sachs. Công ty không sẵn sàng cho công nghệ 10 nanomet đến tận cuối năm 2019. Đây là thời gian chờ dài lịch sử của hãng. Trong khi đó, TSMC đi từ sản xuất 20 nanomet xuống 7 nanomet trong cùng giai đoạn.
Sự chậm chạp của Intel xoay quanh vấn đề năng suất. Tại các nhà máy có giá 7 tỉ USD, chạy 24 giờ/ngày để cho ra lò hàng triệu chip mỗi tháng, chỉ một trục trặc nhỏ có thể để lại hậu quả tài chính lớn. Intel không vội khởi động sản xuất cho đến khi chắc chắn rằng mọi thứ sẽ hoạt động tốt.
TSMC được các nhà đầu tư ưu ái, giá trị thị trường có lúc vượt lên trên Intel trong năm 2017 Ảnh: Bloomberg
CEO AMD hiện tại, bà Lisa Su, không lo lắng về điều này vì doanh nghiệp của bà bán nhà máy và để TSMC xử lý phần sản xuất phức tạp. “Đó là một trong các quyết định tốt nhất mà chúng tôi thực hiện. Nó cho phép chúng tôi quản lý rủi ro, tập trung vào chuyện làm sản phẩm trở nên tuyệt vời”, bà Su nói.
Với sự giúp sức của TSMC, bà Su theo đuổi mục tiêu mà ông Sanders chưa đạt được: Trở thành thách thức đáng tin cậy và lâu dài đối với sức thống trị máy tính của Intel. AMD tuyên bố với nhà đầu tư và khách hàng rằng thiết kế chip mới của họ sẽ vượt qua thiết kế chip mới của Intel. TSMC sẽ giúp hiện thực hóa tham vọng này, ngay cả khi AMD chỉ có khoảng 1/10 lực lượng lao động và ngân sách nghiên cứu, phát triển của Intel.
Dù vậy, TSMC không tự lực đuổi kịp Intel. Bước đột phá của doanh nghiệp đến cách đây 10 năm, khi smartphone bắt đầu được chú ý. Intel có làm chip di động nhưng chưa từng cam kết sản xuất và thiết kế tốt nhất cho mảng này. Họ ưu tiên PC và chip máy chủ.
Khi doanh số smartphone cất cánh, các nhà sản xuất điện thoại phải dùng vi xử lý từ nhiều hãng khác sản xuất, chẳng hạn như Qualcomm hoặc tự thiết kế vi xử lý riêng bằng công nghệ ARM. Các nhà máy TSMC là nơi ra lò các thành phần kể trên. Mảng smartphone giờ có khối lượng lớn hơn gần sáu lần so với PC, giúp TSMC đạt lợi thế kinh nghiệm sản xuất trước đây thuộc về Intel.
Bà Lisa Su Ảnh: Bloomberg
“TSMC giao chip mới nhất đúng tiến độ, không có sai sót”, nhà phân tích Mark Li thuộc Sanford C. Bernstein cho biết. Ông Li nghĩ rằng sức thống trị của Intel trong chip PC, máy chủ và sức mạnh định giá của hãng đang đứng trước nguy cơ vì TSMC.
TSMC vẫn còn thua thách thức đầu tiên mà Intel từng đối mặt. Intel đang xử lý các vấn đề sản xuất, trong lúc này sẽ cung cấp chip mới được xây dựng với công nghệ hiện đại để kìm chân đối thủ. Trong quá khứ, Intel từng “đè bẹp” đối thủ bằng cách dùng ngân sách nghiên cứu, phát triển “khủng”. Song cách tiếp cận của TSMC cũng không vừa.
Song dù Intel chi tiêu vốn cho nhà máy và thiết bị mới nhiều hơn TSMC, tình hình khác hẳn khi cộng chi tiêu nghiên cứu, phát triển của các khách hàng TSMC lại với nhau, trong đó có Qualcomm, Apple, Nvidia và Huawei Technologies. Theo Goldman Sachs, ngân sách kết hợp của khách hàng TSMC không chỉ lớn hơn ngân sách của Intel mà khoảng cách giữa đôi bên còn ngày càng tăng. Đến năm 2020, tất cả các hãng trên sẽ chi gần 20 tỉ USD cho nghiên cứu, hơn Intel ít nhất 4 tỉ ISD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.