Loại tiền mã hóa có thể biến mất vì giới quản lý tài chính toàn cầu

21/09/2019 21:16 GMT+7

Các đồng mã hóa riêng tư như Monero, Dash và Zcash đứng trước rủi ro bị xóa sổ bởi các nhà thực thi pháp luật , bất chấp được không ít người đam mê tiền mã hóa ủng hộ.

Theo Bloomberg, các đồng mã hóa riêng tư hay privacy coin như Monero, Zcash và Dash có thể ẩn hoặc xáo trộn giao dịch với nhiều mức độ khác nhau, khiến các sàn giao dịch tiền mã hóa và nhà quản lý khó lòng tuân thủ hướng dẫn quốc tế về ngăn chặn hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Một số sàn giao dịch cho rằng việc hủy niêm yết các đồng như thế này dễ dàng hơn là tuân thủ các yêu cầu quản lý rủi ro bổ sung. Hồi tháng 8, Coinbase UK ngừng hỗ trợ Zcash. Ngày 10.9, sàn OKEx Korea hủy niêm yết năm đồng là Monero, Dash, Zcash, Zcache, Horizon và Super Bitcoin vì quy định mới về tài chính được ban hành tháng 6.
Jesse Spiro, người đứng đầu mảng chính sách tại hãng nghiên cứu tiền mã hóa Chainalysis ở Mỹ cho rằng sẽ có thêm nhiều sàn tiền mã hóa hủy niêm yết các đồng riêng tư, vì thực tế quy định là rào cản lớn với sự tồn tại của loại tiền điện tử này. Nếu dự đoán này xảy ra, thị trường tiền mã hóa nói chung sẽ chịu tác động không nhỏ.

[VIDEO] Tiền ảo giúp người Cuba vượt cấm vận

Monero, Dash và Zcash có giá trị thị trường tổng cộng khoảng 2,5 tỉ USD. Giá Monero giảm khoảng 30% từ giữa tháng 6, trong khi Dash hạ 40% còn Zcash giảm đến 50%. Jeff Dorman, giám đốc đầu tư tại Arca, hãng đầu tư có rót vốn vào tiền mã hóa, cho biết: "Có khả năng nhiều đồng mã hóa sẽ bị hủy niêm yết và thanh khoản sẽ cạn kiệt".
Các đồng mã hóa mang tính riêng tư từ lâu khiến giới quản lý tài chính lẫn thực thi pháp luật thế giới chú ý. Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo Monero, Zcash cùng Bitcoin là ba trong số các đồng được tội phạm mạng sử dụng. Vì đồng điện tử riêng tư rất khó theo dõi, nó có thể được dùng để tài trợ khủng bố hoặc được tận dụng bởi các nước gánh lệnh trừng phạt quốc tế. "Có thể theo dõi một số đồng riêng tư song chắc chắn có nhiều sự cản trở lớn xuất phát từ thiết kế của loại đồng này", ông Spiro nhận định.

Logo đồng Monero

Ảnh: Reuters

Đơn cử với Monero, một đồng cụ thể không có lịch sử giao dịch nào gắn liền với nó. Vì thế, không ai biết được liệu đồng đó có từng bị tội phạm sử dụng hay không. Tuy nhiên, Monero cũng có chế độ xem giao dịch dành riêng cho người sở hữu đồng mã hóa và đây là điểm khiến nó không hoàn toàn là một "đồng tiền đen" như nhiều người nghĩ. Nhóm phát triển đồng Monero cũng như nhiều đồng mã hóa riêng tư khác cho biết họ tuân thủ đầy đủ quy tắc tài chính quốc tế.
"Dash giống với Bitcoin và có thể đáp ứng 100% yêu cầu tài chính. Đôi khi cần kiến thức để giải thích sự khác biệt về mặt pháp lý giữa giao dịch Dash và giao dịch Bitcoin", Ryan Taylor, CEO Dash Core Group cho hay. Dash có tùy chọn PrivateSend cho phép người dùng chia tiền thành nhiều mảnh và trộn nó với tiền của những giao dịch khác, che khuất nguồn gốc dòng tiền được sử dụng trong giao dịch cuối cùng.
Zcash thì lưu ý rằng họ có tính năng mà nhiều đồng khác không có: Thông tin về người thụ hưởng và người khởi tạo giao dịch có thể được đính kèm vào giao dịch, tuân thủ đúng quy tắc luân chuyển mới của tài chính quốc tế. Jack Gavigan, người phụ trách quan hệ sản phẩm và quản lý tại Electric Coin, hãng hậu thuẫn Zcash, cho hay các sàn giao dịch có thể yêu cầu người dùng sử dụng địa chỉ minh bạch, không sử dụng tính năng riêng tư. Gavigan cho hay công ty ông đã liên lạc với giới quản lý Hàn Quốc và thuyết phục họ về tính tuân thủ pháp luật của Zcash.
Các đồng mã hóa riêng tư vẫn được nhiều người đam mê tiền mã hóa ưa thích. Những người này cho rằng chính phủ nhiều nước nên có cách tiếp cận thực tế với loại tiền điện tử này. Zhao Changpeng, CEO sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance, đặt câu hỏi: "Bạn có cho rằng riêng tư là quyền cơ bản không?". Hôm 17.9, sàn Binance thông báo mảng cho vay của sàn sẽ hậu thuẫn Monero, Zcash và Dash. Binance có trụ sở ở Malta và đây là nơi có quy định thoải mái hơn một chút. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.