Mỹ lên kế hoạch thay thế máy bay không người lái MQ-9 Reaper

16/09/2020 16:41 GMT+7

Không quân Mỹ đang lên kế hoạch thay thế toàn bộ máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9 Reaper, biệt danh “thần chết”, nhằm đối phó các kẻ thù trong tương lai.

Theo trang National Defense, Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch thay thế các máy bay không người lái vũ trang MQ-9 Reaper nhằm nâng cấp khả năng do thám cũng như tìm diệt trong tương lai.

Linh hoạt, đa năng và tiết kiệm

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2007 nhằm thay thế mẫu MQ-1 tiền nhiệm, MQ-9 Reaper tỏ ra rất hiệu quả và được không quân Mỹ sử dụng rộng rãi, nhất là tại Trung Đông. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng đã đến lúc tìm kiếm mẫu UAV mới để đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong tình hình mới.

Năng lực “thần chết”

Được đưa vào cuộc chiến Afghanistan từ 2007, MQ-9 Reaper hiện đại hơn UAV thế hệ trước là MQ-1 (Predator) không chỉ về khả năng chụp ảnh và trinh sát, mà còn có thể bắn hạ mục tiêu từ xa. Hoạt động của các đội điều khiển UAV này là bí mật nhưng vào tháng 12.2019, MQ-9 Reaper lần đầu được đem ra trình diễn trước công chúng tại căn cứ Nellis (bang Nevada), theo trang The Aviationist. Với giá khoảng 64 triệu USD/chiếc, MQ-9 Reaper có sải cánh 20 m, dài 11 m, cao 3,81 m. Trọng lượng không tải của UAV này là 2.223 kg và trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 4.760 kg. Với khả năng mang theo 1.800 kg nhiên liệu, MQ-9 Reaper có thể đạt tốc độ tối đa 482 km/giờ với tầm bay 1.850 km, trần bay 15.000 km. Mẫu UAV của không quân Mỹ mang theo các tên lửa AGM-114 Hellfire, bom laser dẫn đường GBU-12 Paveway II và bom tấn công trực diện GBU-31. Theo trang Arab News, một chiếc UAV MQ-9 Reaper đã được Mỹ điều từ Qatar đến Iraq hôm 3.1 để sát hại tư lệnh Qassem Soleimani của lực lượng đặc nhiệm Quds (Iran) bằng 2 quả tên lửa Hellfire R9X Ninja.
Quyết định tìm kiếm mẫu UAV mới được đưa ra sau khi MQ-9 Reaper có thể dễ bị tấn công bởi các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga và Trung Quốc.
Vào tháng 6, không quân thông báo tiếp nhận các ý tưởng về UAV tầm trung, tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ sáng tạo mới. Đến cuối tháng 7, hàng loạt công ty lớn đều đã đáp ứng lời kêu gọi.
Ông Will Roper, trợ lý Bộ trưởng Không quân phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, nhấn mạnh rằng mẫu UAV mới phải đáp ứng các yêu cầu về sự linh hoạt, đa năng nhưng vẫn phải đảm bảo tiết kiệm chi phí.
“Nếu mẫu UAV mới giống như thêm một miệng ăn mà không giúp được gì trong chiến tranh công nghệ cao thì sẽ không phải là ứng viên hàng đầu”, ông nêu rõ.

Nhiều yêu cầu cao

Theo ông Roper, UAV mới cần có khả năng thu thập thông tin do thám, tìm diệt và thực hiện các chiến dịch không đối không. Bên cạnh đó, máy bay này còn phải có khả năng lui về hậu phương để bảo vệ các tài sản giá trị cao, các máy bay khác và thậm chí các căn cứ của Mỹ. Bên cạnh đó, việc tự động hóa cũng được ưu tiên nhằm giảm số lượng người điều khiển từ xa, và công nghệ này có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm chi phí vận hành.
Theo trang Flight Global, Hãng General Atomics trước đó đã thử trang bị MQ-9 Reaper với Agile Condor, máy tính trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ tự động tìm, theo dõi và đề xuất các mục tiêu cho người điều khiển từ xa. Chuyến bay thử đầu tiên diễn ra tại trung tâm bay thử và huấn luyện ở bang Bắc Dakota, công ty cho hay hôm 3.9. Thiết bị AI được phát triển bởi Công ty SRC (Mỹ), chuyên về nghiên cứu và phát triển radar và các hệ thống vũ khí điện tử. AI giúp xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ các cảm biến một cách trực tuyến, thay vì nhiều dữ liệu được xử lý sau khi UAV kết thúc nhiệm vụ hoặc truyền về trung tâm vốn tốn kém năng lượng và băng thông. Theo General Atomics, hệ thống AI có thể sử dụng trên các UAV mới nhằm tăng tính tự động hóa và giảm đáng kể chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.