Mỹ sắp có thêm vệ tinh quân sự

02/01/2020 06:32 GMT+7

Mỹ sẽ bổ sung một vệ tinh vào chòm SATCOM băng thông rộng toàn cầu (WGS), nâng tổng số vệ tinh của mạng lưới này lên 11 vào năm 2024.

Chuyên trang Space News mới đây dẫn thông tin từ Boeing cho hay sẽ bàn giao vệ tinh thứ 11 thuộc chòm vệ tinh SATCOM băng thông rộng toàn cầu (WGS) cho không quân Mỹ vào năm 2024.
Trước đó, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu nước Mỹ cho hay đã nhận được hợp đồng trị giá 605 triệu USD (hơn 14.000 tỉ đồng) cho gói thầu sản xuất hai vệ tinh WGS-11 và WGS-12 từ quốc hội hồi tháng 4.2019. Hiện tại, đôi bên đã thống nhất xong kế hoạch sản xuất WGS-11 và sẽ có thêm thông tin về WGS-12 trong thời gian tới.
Boeing thông tin WGS-11 là bản nâng cấp mạnh mẽ hơn so với các vệ tinh tiền nhiệm trong chòm WGS. Được xem như phiên bản “quân sự” của dòng vệ tinh thương mại BSS-702X với băng thông đa tần siêu rộng, WGS-11 cho phép hỗ trợ nhiều người dùng hơn và thực hiện các nhiệm vụ theo dõi, giám sát các vật thể bay tốt hơn.
Tập đoàn Boeing là nhà thầu chính của dự án WGS từ năm 2001. Năm 2007, Mỹ đã phóng vệ tinh WGS đầu tiên. Vệ tinh mới nhất trong chòm này là WGS-10, trị giá 424 triệu USD được phóng vào tháng 3 năm nay. Theo dự kiến trước đó của không quân Mỹ, WGS-10 sẽ là vệ tinh cuối cùng trong chòm WGS, nhưng đến cuối năm 2018, quốc hội nước này đã quyết định bổ sung ngân sách nhằm cung cấp thêm các vệ tinh quân sự mạnh mẽ hơn cho quân đội Mỹ và dự án sản xuất vệ tinh WGS-11 ra đời.
Hệ thống WGS vốn là chòm vệ tinh quân sự chiến lược nhằm thay thế cho mạng lưới DSCS trước đó của quân đội Mỹ. WGS hỗ trợ các liên lạc dải tầng X- và Ka-, tăng hiệu quả gấp nhiều lần so với mạng lưới DSCS để nâng cao khả năng trao đổi thông tin giữa các máy bay, tàu nổi, tàu ngầm và lực lượng mặt đất, cũng như đảm bảo cung cấp đường truyền liên lạc mạnh mẽ và an toàn hơn cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.
Ngày nay, WGS được phát triển như một chương trình đa quốc gia nhằm tập hợp nguồn lực tài chính hùng hậu nhằm duy trì hoạt động cho hệ thống vốn tốn kém này. Đồng thời đây cũng là cách để Mỹ chia sẻ nguồn lực hạ tầng thông tin với các đồng minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.