Mỹ, Trung Quốc vừa 'cứu' thương vụ thâu tóm 44 tỉ USD của Qualcomm?

02/12/2018 16:25 GMT+7

Hãng Qualcomm từng cố gắng thâu tóm nhà sản xuất chip đối thủ NXP với giá 44 tỉ USD đầu năm nay, song thương vụ bất thành vì giới chức chống độc quyền Trung Quốc không duyệt chấp thuận.

Trong cuộc thảo luận thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1.12, ông Tập có nói rằng mình sẵn sàng chấp thuận thỏa thuận được làm mới, CNBC trích tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra cho biết.
Qualcomm lần đầu đề nghị mua hãng NXP có trụ sở tại Hà Lan với giá khoảng 38 tỉ USD vào tháng 10.2016. Tuy nhiên khi đó, Qualcomm đối mặt sự phản đối của một số cổ đông NXP, những người muốn giữ cổ phần công ty với giá tốt hơn. Qualcomm vì thế tăng giá chào mua lên 44 tỉ USD trong tháng 2.2017.
Dù vậy, thỏa thuận giữa đôi bên bất thành vào tháng 7.2017, vì thời hạn quy định trôi qua mà Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy định Thị trường Trung Quốc (SAMR), cơ quan chịu trách nhiệm về quy định chống độc quyền, không chấp thuận.
Trong cuộc thảo luận thương mại với ông Trump hôm 1.12, “ông Tập cũng nói rằng ông để ngỏ khả năng phê duyệt thỏa thuận Qualcomm - NXP trước đó chưa được chấp thuận nếu thỏa thuận này một lần nữa được đem trình bày với ông”, Nhà Trắng cho hay.
Thỏa thuận thâu tóm giữa Qualcomm và NXP, nếu được chấp thuận thông qua, sẽ là M&A ngành sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Qualcomm là đơn vị cung cấp chip cho smartphone Android, Apple và thỏa thuận sẽ giúp hãng mở rộng sang các lĩnh vực thị trường mới như chip ô tô.
Dù có dấu hiệu tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc, thỏa thuận mua bán này có thể khó đàm phán vì hai doanh nghiệp đều đã thực hiện mua lại cổ phiếu sau khi thỏa thuận không thành. Qualcomm trả NXP 2 tỉ USD chi phí phá vỡ thỏa thuận.
Hôm 1.12, tại bữa ăn tối thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng định G20 diễn ra ở Argentina, ông Tập và ông Trump thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến thương mại khiến 200 tỉ USD giá trị hàng hóa cõng thêm thuế quan.
Mỹ đồng ý không tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25% ở thời điểm này, và trong 90 ngày kế tiếp, giới chức Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đàm phán về nhiều bất đồng xoay quanh vấn đề chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và nông nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.