Mỹ dành nhiều tháng qua để vận động đồng minh chặn Huawei khỏi mạng 5G song đạt thành công hạn chế. Dù vậy, chưa đầy ba tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei tại châu Âu có vẻ đang yếu dần. Châu Âu vốn là thị trường tăng trưởng quan trọng của Huawei.
Người tiêu dùng lục địa già lo điện thoại Huawei sớm lỗi thời và nhu cầu thiết bị cộp mác Huawei “lao dốc mạnh”, theo nhà phân tích Ben Stanton của hãng Canalys. Ông Stanton, người có nhiều cuộc trao đổi với các nhà mạng, nhà bán lẻ và phân phối ở châu Âu, cho biết người dùng ngại rằng thiết bị có thể mất tính năng, thiếu an toàn, không còn được hỗ trợ hoặc thậm chí “mất giá trị hữu hình”.
Tại Pháp, doanh số smartphone cao cấp của Huawei giảm khoảng 1/5 trong một tuần sau khi Huawei bị Mỹ cấm tiếp cận linh kiện, công nghệ nước này mà không có giấy phép đặc biệt. Nhiều người Anh bán điện thoại Huawei của mình, còn các nhà mạng đang tung 5G thì cho mẫu Huawei Mate 20 x 5G “ra rìa”.
Tâm lý lạnh nhạt của người tiêu dùng có thể đe dọa tham vọng vượt Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới năm nay của Huawei. Người tiêu dùng châu Âu vốn sẵn sàng trả tiền cho các mẫu đắt nhất và thị trường châu Âu là một trong các thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Huawei.
Người tiêu dùng hiện không thể được đảm bảo rằng điện thoại Huawei chạy trên hệ điều hành Android sẽ có quyền tiếp cận với các ứng dụng chính và bản vá bảo mật sau ngày 19.8. Huawei cho biết kế hoạch dự phòng của mình là chuyển sang dùng hệ điều hành mới hiện trong quá trình phát triển.
Sự thiếu chắc chắn khiến ông Stuart Wilson, 67 tuổi, bỏ ý định mua smartphone Huawei để thay cho mẫu Samsung Galaxy S7 ông đang dùng. “Lúc đầu tôi nghĩ mình nên thử dùng điện thoại mới. Song với thông tin mới về Huawei, Google và nhiều chuyện khác nữa, ý định của tôi thay đổi. Bạn không thể biết điều gì xảy ra trong tương lai. Tôi đơn giản quyết định là không mua Huawei, dùng lại thương hiệu Samsung cũ”, ông Wilson chia sẻ.
Canalys cho hay một nửa doanh số smartphone của Huawei là ở Trung Quốc song tăng trưởng bên ngoài Trung Quốc cũng rất quan trọng. Ngườu tiêu dùng ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông ngày càng quan trọng với Huawei trong khi hãng này bị cấm cửa ở thị trường Mỹ, còn thị trường nước nhà thì giảm nhiệt. Nếu lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ kéo dài, Huawei có thể khó lòng duy trì mức tăng doanh số và thị phần nắm giữ ấn tượng.
Nhà phân tích Daniel Gleeson của hãng Ovum cho biết: “Lệnh cấm tạo ra khoảng cách lớn trong thị trường sẽ được Samsung và nhiều thương hiệu Trung Quốc khác như Xiaomi, OnePlus và Oppo lấp đầy”.
Bình luận (0)