Những đồ chơi công nghệ không bị lãng quên kể cả khi bị… khai tử

11/04/2020 09:23 GMT+7

Thực tế, bất kỳ thiết bị thông minh nào mà bạn yêu thích cũng có thể sẽ bị khai tử vào một ngày nào đó.

Khi ấy, chúng không còn được sự quan tâm của nhà sản xuất, không còn được cập nhật hoặc đơn giản là công ty sản xuất chúng đã ngừng hoạt động. Đây là thực tế phũ phàng mà bất kỳ thiết bị điện tử nào cũng có thể gặp phải theo thời gian.
Tuy nhiên, đôi lúc không phải thiết bị nào cũng cam chịu số phận bị “kết liễu” như vậy, ít nhất là khi chúng thu hút đủ lượng người dùng nhất định, chúng có thể có được một “cơ hội thứ hai” để hồi sinh và tiếp tục tồn tại. Đôi khi đơn giản là nhờ sự kết hợp giữa phần mềm mã nguồn mở và cộng đồng đam mê, chúng vẫn có thể tồn tại nhiều năm sau khi bị khai tử.
Theo Engadget, vẫn còn một số sản phẩm thiết thực trong cuộc sống, và nó vẫn còn đang tiếp tục đồng hành với người dùng theo thời gian:

Sự trở lại của Pebble

Một trong những minh họa tốt nhất về điều đó là Pebble. Một dòng đồng hồ thông minh đã huy động được hơn 10 triệu USD gọi vốn trên trang gây quỹ cộng đồng Kickstarter, tính đến nay thì đây vẫn là dự án nhận được nhiều tài trợ nhất trên Kickstarter trong nhiều năm qua. Đó mới chỉ tính là bản gốc - chiếc Pebble đời đầu, các vòng gọi vốn sau cho phiên bản tiếp theo là Pebble Time và Pebble 2 cũng phá vỡ các kỷ lục của Kickstarter.
Phiên bản Pebble 2 nhận được 12 triệu USD gây vốn trong khi Pebble Time huy động được tới 20 triệu USD và vẫn là dự án được tài trợ nhiều nhất trên KickStarter tính đến hiện nay. Bất chấp sự xuất hiện của Apple Watch và Android Wear, rõ ràng Pebble đã thu hút được một lượng đông đảo người dùng yêu thích riêng của họ.
David Groom có nick trực tuyến là "ishotjr", tham gia quyên góp cho dự án gây quỹ của Pebble và là một trong những người ủng hộ sớm nhất. Khi nhận sản phẩm, ông rất phấn khích với những gì mà chiếc đồng hồ này có thể mang lại, nhất là khi công ty thông báo các nhà phát triển bên thứ ba có thể tạo ra dây đeo thông minh cho Pebble Time.

Pebble đã hồi sinh nhờ vào sự đóng góp và nhiệt huyết của cộng đồng

Ảnh: Hữu Thắng

Ông cũng đã tham gia vào cộng đồng Pebble, giúp tổ chức các sự kiện nội bộ, quản lý cửa hàng ứng dụng và thậm chí là đồng tác giả một cuốn sách riêng về Pebble dành cho các nhà phát triển. Tuy nhiên, vào cuối năm 2016, tình hình trở nên xấu đi khi những tin đồn về việc Pebble sa thải nhân viên và sẽ ngừng hoạt động. Sau đó, tin về vụ Fitbit mua lại Pebble đã phần nào xác nhận điều đó. Ông nói, “lúc đó chúng tôi đều hoảng loạn. Nhưng xét cho cùng, một chiếc smartwatch sẽ không được dùng nhiều nếu ứng dụng của chúng không hoạt động hoặc không được hỗ trợ”.
Fitbit đã cố gắng hỗ trợ các thiết bị Pebble hiện tại được một thời gian, nhưng cuối cùng họ cũng “rút phích cắm” sự hỗ trợ này vào ngày 30.6.2018. Tuy nhiên, vài tháng trước đó Groom và đồng nghiệp đã giới thiệu dịch vụ Rebble Web Services, một sự thay thế cho các máy chủ sắp bị đóng cửa của Pebble. Đáng ngạc nhiên, Rebble thậm chí đã làm việc với Fitbit để giúp cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ nhất có thể.
Katharine Berry, người đồng sáng lập Rebble, cho biết cộng đồng Pebble rất biết ơn sự hỗ trợ của Fitbit đã giữ cho các máy chủ của Pebble hoạt động lâu hơn so với thông báo ban đầu, qua đó cho họ có thời gian chuẩn bị một số giải pháp tốt hơn cho quá trình chuyển đổi.
Tính đến nay, đã vài năm trôi qua, trang Rebble và cộng đồng người dùng Pebble vẫn phát triển mạnh mẽ, với hơn 100.000 người sử dụng Pebble và dịch vụ mới này.

Sự hồi sinh của Chumby

Chumby là một ví dụ nữa cho thấy các thiết bị công nghệ cũ hữu ích vẫn đáng được “sống”

Ảnh: Chumby

Pebble không phải là tiện ích duy nhất được hồi sinh sau khi bị khai tử. Nếu bạn còn nhớ Chumby - một mẫu đồng hồ báo thức thông minh dễ thương đã ra mắt vào năm 2006, rất lâu trước khi Amazon ra mắt Echo Show. Nó cung cấp các thông tin nhanh và trực quan về thời tiết, các bài đăng Facebook, các ảnh chụp và nội dung video mà bạn yêu thích.
Mặc dù bản chất đáng yêu của nó, nhưng sau khi kinh tế toàn cầu suy thoái vào năm 2008 và sự xuất hiện của iPhone, ngày tàn của Chumby cũng đã điểm. Thêm vào đó, thay vì dùng Java script hay HTML5, nó dùng Adobe Flash Lite để hiển thị các tiện ích widget - một ngôn ngữ đã bị Adobe khai tử cách đây vài năm. Nhưng trước khi bị rơi vào số phận hẩm hiu, Chumby đã kịp bán ra 100.000 chiếc trên thị trường, và lúc này tương lai của một lượng thiết bị đó sẽ bị bỏ ngỏ nếu không có dịch vụ, bởi chúng sẽ vô dụng.
Duane Maxwell, người từng là CTO và là một trong những người sáng lập Chumby, đã không cam chịu và tiếp tục hỗ trợ nó rất lâu sau khi Chumby bị “rút dây thở” vào năm 2012. Ông là tác giả chính của bo mạch chủ và ông biết nhiều về hệ thống tổng thể của thiết bị này hơn bất cứ ai trong công ty.
Ông chia sẻ, "một vài tình nguyện viên, bao gồm cả bản thân tôi, tiếp tục quản lý hệ thống trong khoảng một năm cho đến khi hết tiền để hỗ trợ hậu phương”, trong khi công ty bị các chủ nợ rao bán tài sản ngoại trừ các sở hữu trí tuệ và thiết bị công nghệ. Vì vậy, Maxwell đã thành lập một công ty có tên Blue Octy LLC và đưa ra lời đề nghị tiền mặt cho các cổ đông để mua lại quyền sở hữu trí tuệ và thiết bị điện tử của công ty.
Đề xuất đó được chấp thuận, ông được quyền sở hữu các máy chủ, phần mềm, tên miền, cơ sở dữ liệu, tài liệu, nhãn hiệu và bản quyền liên quan tới Chumby. Sau một thời gian viết lại hoàn toàn các phần phụ trợ để trở thành các tiêu chuẩn phần mềm hiện đại hơn, ông đã sở hữu và cập nhật khoảng 100 widget và bổ sung gần 30 hạng mục nữa.
Dịch vụ mới của ông cung cấp hỗ trợ qua email và thỉnh thoảng nhận sửa chữa phần cứng. Hệ thống mới đã chính thức hoạt động trực tuyến kể từ năm 2014 và tiếp tục hoạt động kể từ đó đến nay.

Những kẻ có cơ hội sống thứ hai

Những chú thỏ robot Nabaztag là một trong số ít thiết bị may mắn có cơ hội thứ hai

Ảnh: Mindscape

Ngoài hai ví dụ trên, có thể kể tới Nabaztag, một chú thỏ robot được kích hoạt qua Wi-Fi và phát hành vào năm 2005 với mục đích hỗ trợ truyền tải thông tin qua việc vẫy tai, thay đổi màu sắc và phát ra âm thanh. Nó chính thức bị khai tử vào năm 2011 khi công ty Mindscape ngừng hỗ trợ. Dù nó đã được hồi sinh sau đó thông qua các phương tiện mã nguồn mở.
Năm ngoái, nhóm thiết kế ban đầu thậm chí đã thực hiện một chiến dịch gây quỹ cộng đồng thành công để đưa phiên bản mới dựa trên máy tính Raspberry Pi để sản xuất hàng loạt. Đây dường như là một dự án có nhiều ý nghĩa với những người dùng am tường kỹ thuật và yêu thích hoài niệm.
Ngoài 3 ví dụ trên, vẫn còn một số thiết bị có khả năng “sống sót” sau khi bị các công ty bỏ rơi hoặc do lỗi thời, nhưng rõ ràng chúng là những hiện tượng khá hiếm và phải đủ may mắn mới có thể có được cơ hội thứ hai như thế. Đó có thể là những chiếc Siemens SL45, BlackBerry 8700 cũ kỹ hoặc Nokia 808 Pureview vốn đã bị các nhà sản xuất lãng quên, bởi chúng đã tạo ra một cộng đồng người dùng đủ mạnh để duy trì “một sự sống thứ hai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.