Pháp 'từ chối khéo' thiết bị viễn thông của Huawei

14/12/2018 16:39 GMT+7

Sau khi lao đao vì Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand cấm sản phẩm cơ sở hạ tầng mạng và bị Đức tăng cường kiểm soát, Huawei sắp tới còn có thể gặp khó ở cả thị trường Pháp.

Pháp sẽ không cấm Huawei, mà thay vào đó là xem xét bổ sung sản phẩm của hãng vào danh sách các mặt hàng bị “cảnh giác cao”. Quốc gia châu Âu là nơi có nhiều biện pháp bảo vệ cho những bộ phận quan trọng của mạng viễn thông, cũng là một trong năm nước đầu tiên thực hiện thử nghiệm 5G.
Bloomberg News phỏng vấn 15 nguồn thạo tin, biết việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy quy định chặt chẽ hơn đáng kể. Trong bối cảnh các hãng điện thoại Pháp tìm kiếm nhà cung ứng để xây dựng mạng lưới 5G, Huawei đang bị chặn ở một phần cơ sở hạ tầng viễn thông Pháp thông qua các sửa đổi trong pháp lý và quy định.
Nhà điều hành viễn thông lớn nhất Pháp Orange sẽ không dùng thiết bị Huawei trong mạng lưới 5G ở nước này vì “lời kêu gọi phải thận trọng” từ phía chính quyền, CEO Orange Stephane Richard cho biết. “Chuyện người Trung Quốc là gián điệp có tính tưởng tượng, song nguyên tắc phòng ngừa vẫn có”, ông Richard cho hay.
Hai nhà khai thác mạng khác ở Pháp là Bouygues Telecom và SFR sẽ chờ chỉ thị từ Cơ quan Quốc gia về An ninh Hệ thống Thông tin Pháp (Anssi) về các nhà cung ứng 5G. Anssi yêu cầu quyền truy cập đầy đủ vào công nghệ của nhà cung ứng, từ bo mạch chủ, khóa mã hóa đến dòng code. Ngắn gọn, họ muốn biết toàn bộ bí mật công nghiệp của đơn vị cung ứng.
Bốn trong số 15 nguồn tin cho rằng yêu cầu từ Anssi sẽ chỉ tăng lên. Không như Nokia, Cisco hay Ericsson, Huawei chưa gửi thiết bị của hãng để được xem xét chứng nhận các thành phần quan trọng. Thực tế này khiến công ty Trung Quốc bị xem là không đạt điều kiện.
Mất khả năng tiếp cận thị trường của nền kinh tế lớn thứ nhì châu Âu sẽ là đòn mạnh giáng vào Huawei, sau một loạt lệnh cấm và rắc rối hãng vướng phải. Vụ việc gây ồn ào nhất gần đây là Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada. Bà Mạnh bị Mỹ cáo buộc là có hành vi che đậy vi phạm lệnh trừng phạt bán thiết bị cho Iran.
Huawei không công bố doanh số theo từng nước, song trước đây từng gọi Pháp là “một trong các thị trường quan trọng nhất”. Châu Âu, Trung Đông và châu Phi năm ngoái đem về 27% doanh thu cho doanh nghiệp, trong khi doanh số smartphone lẫn thiết bị mạng lưới như ăng-ten, router và phần mềm cho mạng ảo ở Mỹ thì chỉ chiếm 6,5%.
Huawei cũng dùng nỗ lực ngoại giao mềm mỏng để “lấy lòng” nước Pháp. Hãng mua trang quảng cáo trên nhiều tờ báo để thể hiện "thành tích": 16 năm hiện diện trên thị trường Pháp, thuê tuyển 1.000 nhân viên Pháp và hợp tác với nhiều đại học.
Khi mùa World Cup diễn ra, Huawei thuê ngôi sao Antoine Griezmann làm gương mặt đại diện cho smartphone, và mua nhiều bảng quảng cáo lớn ở trung tâm Paris. Trong tháng 9, hãng đạt được quan hệ hợp tác công nghệ với Opera de Paris do nhà nước hậu thuẫn.
Pháp lập hoạt động phối hợp giữa các dịch vụ liên quan đến nhà nước, kiểm toán nhiều biện pháp bảo vệ và cân nhắc biện pháp bảo vệ mới. Giới chức Pháp luôn nghi ngờ vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Huawei làm ăn trên toàn thế giới, một quan chức Pháp cho hay.
Giờ đây, quốc gia châu Âu xem xét thắt chặt cuộc chơi bằng cách yêu cầu giới doanh nghiệp thực hiện quy trình để được xem xét đủ điều kiện ở cả cốt lõi mạng lưới lẫn tháp mạng không dây. Ngày 1.12, chính phủ Pháp thông qua nghị định về kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí cấm đầu tư nước ngoài vào thiết bị nhạy cảm. Huawei không bị chỉ đích danh nhưng chắc chắn là mục tiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.