Có thể kể ra một số mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, Twitter, YouTube, WhataApp, Instagram, LinkedIn, Skype, Viber, Tumblr, Pinterest, Google Plus (không tính các mạng chỉ phổ biến ở Trung Quốc và một vài quốc gia châu Á).
Sự thu hút của các mạng xã hội là rất khó để người dùng chống cưỡng lại, nhất là khi được dùng hoàn toàn miễn phí. Ngày nay, Google, Facebook, Gmail đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người. Nhưng, đúng như câu người phương Tây thường nói: “There ain't no such thing as a free lunch!" (chả có cái gì là “đồ chùa” cả!), cái gì cũng có cái giá của nó: Để đánh đổi lại việc được dùng các dịch vụ miễn phí, người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký và đồng ý để các mạng này sử dụng các thông tin đó.
|
Theo thống kê của GlobalWeb Index thì Facebook hiện dẫn đầu thế giới với 2,23 tỉ người dùng, có đến 65 triệu doanh nghiệp lập trang thông tin trên mạng này. Kế đến là YouTube với 1,9 tỉ người dùng, WhatsApp là 1,5 tỉ, Messenger (cũng của Facebook) là 1,3 tỉ, Instagram là 1 tỉ, Twitter là 335 triệu, LinkedIn là 294 triệu, Viber và Snapchat là 260 triệu người...
tin liên quan
Google, Facebook bị chỉ trích vì dùng dữ liệu thao túng hành vi người dùngCác nguy cơ về an ninh mạng xã hội gồm những gì? Nhất là trong trường hợp những quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an sinh xã hội, phát triển kinh tế, hạ tầng kiến trúc về viễn thông liên lạc chưa hoàn chỉnh và có phần lạc hậu nên có nhiều lỗ hổng bảo mật dễ bị xâm nhập. Và, nhất là mặt bằng chung về trình độ dân trí chưa cao như những nước phát triển thì càng dễ bị “gây nhiễu” bởi những thông tin giả tạo và bịa đặt.
Bản thân mạng xã hội không là mối đe dọa, nhưng việc sử dụng chúng thế nào và cách các mạng này quản lý và sử dụng thông tin người dùng mới là điều đáng nói. Theo nhận định của các chuyên gia về an ninh mạng, các nguy cơ do chúng mang lại là có thật, bao gồm các mối nguy cơ rất nghiêm trọng sau đây:
Khủng bố không gian mạng (Cyber Terrorism)
Mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh một quốc gia là khủng bố mạng, các tin tặc (dạng cá nhân đơn lẻ, hay thuộc một nhóm có tổ chức hoặc được tài trợ bởi chính phủ một quốc gia nào đó) có mục đích là làm rối loạn các hoạt động xã hội, môi trường kinh doanh, chi phối dư luận công chúng.
Trong thời bình, mạng xã hội là mục tiêu được quan tâm hàng đầu của tin tặc. Chúng dùng nhiều cách thức khác nhau: đăng ký nhiều tài khoản giả danh các nhân vật và tổ chức uy tín để tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Vài năm trước, tổ chức khủng bố ISIS đã tích cực khai thác các mạng YouTube, Twitter, Facebook, Skype để chiêu mộ thành viên, tuyên truyền cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ISIS đã đạt một số thành quả nhất định, nhất là trong việc giới trẻ Hồi giáo ở các nước phương Tây sang Syria tham gia “Thánh chiến”. Sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đã cáo buộc tình báo Liên bang Nga đã tìm cách chi phối kết quả cuộc bầu cử thông qua việc tung nhiều tin tức thất thiệt trên Facebook.
Kích động bạo lực và nổi loạn ở các quốc gia
Một mạng xã hội với hơn 2 tỉ người dùng như Facebook là một nền tảng lý tưởng để truyền bá thông tin với sức lan tỏa cực kỳ nhanh chóng và rộng khắp. Cuộc nội chiến Syria đã khởi đầu bằng những cuộc biểu tình lớn từ tháng 3.2011, xuất phát từ những lời kêu gọi trên Facebook và Twitter. Trước đó, làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ả Rập bùng phát ở một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông cũng có xuất phát điểm tương tự.
|
Gây căng thẳng và kích động bạo lực giữa các cộng đồng dân tộc và tôn giáo
Ấn Độ và Myanmar là những điển hình cụ thể về việc các mạng xã hội có thể thổi bùng sự mâu thuẫn và là mầm mống cho những xung đột bạo lực giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở các nước này. Những tin tức và video (giả có thật có) đăng trên Facebook là nguyên nhân gây nên những cuộc xung đột đẫm máu tại nhiều địa phương ở các nước nói trên.
Lừa đảo
Mạng xã hội là nơi lý tưởng để những kẻ lừa đảo săn tìm con mồi của mình. Vào đầu thập niên 2000, khi Yahoo Messenger gần như chiếm độc quyền trong việc giao tiếp trên internet, nhiều người Việt trong và ngoài nước là nạn nhân của những vụ lừa cả tình lẫn tiền trên mạng này. Thời gian vừa qua, khá nhiều người dùng Facebook trong nước, do sơ hở và dễ tin, cũng là nạn nhân của những kẻ lừa đảo nước ngoài. Trên quy mô lớn hơn, các băng nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng mạng xã hội làm phương thức liên lạc và trao đổi thông tin cũng như thực hiện các hành vi rửa tiền kín đáo khó bị phát hiện bởi cơ quan pháp luật. Nhiều doanh nghiệp lãnh hậu quả vì nhân viên của họ thiếu cảnh giác đã sa vào bẫy lừa tinh vi của bọn tội phạm.
Đó là những nguy cơ đối với người dùng cá nhân và các doanh nghiệp. Trên bình diện quốc gia, mối hiểm họa tiềm ẩn còn có những tác hại lớn lao hơn rất nhiều.
>> Còn tiếp: Rò rỉ thông tin và an ninh quốc gia
Bình luận (0)