Startup Mỹ cáo buộc Huawei lấy công nghệ, bí mật thương mại

11/05/2019 10:58 GMT+7

Hãng khởi nghiệp Mỹ CNEX vừa cáo buộc Huawei rằng nhà cung ứng thiết bị viễn thông Trung Quốc đã dùng một giáo sư đại học làm việc trong dự án nghiên cứu để truy cập trái phép vào công nghệ của mình.

CNEX là startup có trụ sở ở California (Mỹ), đang phát triển công nghệ để tăng cường hiệu suất của ổ đĩa trạng thái rắn trong trung tâm dữ liệu. CNEX có tranh chấp với Huawei từ năm 2017. Reuters dẫn tài liệu nộp lên tòa án vào tuần trước cho hay hãng Mỹ cáo buộc rằng ông Bo Mao, giáo sư tại Đại học Xiamen ở Trung Quốc, đã yêu cầu tiếp cận một trong các bảng mạch của công ty cho dự án nghiên cứu.
CNEX cho biết hãng không yêu cầu ông Mao ký vào bản đồng ý nghiêm ngặt về việc không tiết lộ bảng mạch nói trên. Song công ty cũng cho hay trường Xiamen có làm việc với Huawei và cáo buộc rằng sau khi giáo sư Mao nhận được bảng mạch, chi tiết kỹ thuật về nó nằm gọn trong tay Huawei.
“Huawei lấy thông tin độc quyền và bí mật thương mại của CNEX, chia sẻ nó với nhân viên đang phát triển bộ điều khiển ổ đĩa, vi phạm hạn chế đặt ra trong việc phân phối thông tin kỹ thuật của CNEX, CNEX viết trong hồ sơ nộp lên tòa án. Hiện cả Huawei lẫn ông Mao đều chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Thiết bị của Huawei phần lớn bị từ chối ở Mỹ từ năm 2012 vì nhiều lo ngại về bảo mật và việc công nghệ của hãng có thể được dùng cho hoạt động gián điệp. Công ty nhiều lần khẳng định đây là quan ngại không có cơ sở. Tháng 12.2018, giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người cũng là con gái của tỉ phú sáng lập hãng Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Vancouver (Canada) theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ. Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa đảo nhiều ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Cáo buộc mà CNEX đưa ra hồi tuần trước là cáo buộc gần nhất trong vụ việc xuất phát từ năm 2017. Một trong những nhà đồng sáng lập CNEX là Ronnie Huang. Ông này từng làm việc cho công ty con của Huawei ở Texas (Mỹ) song rời đi vào năm 2013, trước thời điểm thành lập CNEX.
Năm 2017, Huawei kiện CNEX và ông Huang, cáo buộc rằng phát minh của startup này có liên quan đến công việc mà ông Huang làm tại Huawei và Huawei có quyền với các bằng sáng chế theo hợp đồng mà ông Huang đã ký. CNEX ngược lại, cáo buộc rằng Huawei tìm cách sử dụng chính vụ kiện để có quyền tiếp cận sâu hơn vào công nghệ của mình.
Tuần trước, tòa án bác bỏ yêu cầu về quyền sở hữu bằng sáng chế của CNEX từ Huawei. Theo luật bang California, nhân viên có nhiều đường để rời doanh nghiệp và lập hãng mới và điều này áp dụng cho một phần của hợp đồng giữa ông Huang và Huawei. Hiện CNEX còn đối mặt với một cáo buộc nữa từ Huawei, rằng ông Huang tuyển dụng không đúng đồng nghiệp cũ ở Huawei cho startup mình sáng lập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.