Thanh toán kỹ thuật số là xu hướng mới của ngành du lịch

23/09/2019 16:37 GMT+7

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhanh chóng phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa đang trở thành xu hướng mới.

Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Giai đoạn 2015 - 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018 - tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/năm. Đây là giai đoạn tăng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của du lịch Việt Nam.
Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 (The Travel & Tourism Competitiveness Report) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra, du lịch Việt Nam nhảy 4 bậc từ vị thứ 67 lên 63. Đây là mức tăng trưởng năng lực cạnh tranh du lịch nhanh nhất ASEAN. Sự phát triển này có được là nhờ phần lớn vào những tiến bộ của công nghệ thông tin như internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến…Tại Việt Nam, các công ty lữ hành đang thay đổi cách kinh doanh, từ đón khách hàng trực tiếp tại văn phòng, đại lý... sang kinh doanh trực tuyến, chốt tour chỉ sau vài cú click chuột.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.

Thanh toán kỹ thuật số là chìa khóa mới cho du lịch

Việc phát triển du lịch số chính là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh. Trong đó, việc tăng cường đầu tư hạ tầng thanh toán bao gồm thanh toán số là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình số hóa du lịch. Thanh toán kỹ thuật số không chỉ đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, mà còn đảm bảo độ bảo mật, tốc độ và tính hiệu quả cao.
Với mục tiêu kết nối toàn cầu thông qua mạng lưới thanh toán kỹ thuật số hiện đại, bảo mật và đáng tin - Visa, một “ông lớn” về lĩnh vực công nghệ thanh toán đang nỗ lực đẩy mạnh du lịch nội địa tại Việt Nam với nhiều giải pháp. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: “Nhu cầu du lịch ngày càng trở nên phong phú, việc gia tăng các trải nghiệm về dịch vụ du lịch, mua sắm và thanh toán cho người tiêu dùng ứng dụng công nghệ số là xu hướng đã được Visa và các ngân hàng nắm bắt, phối hợp xây dựng và cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao”.
Đồng thời, Visa cũng tăng cường sự xuất hiện tại các điểm đến, những điểm chấp nhận thanh toán cũng như nâng cấp hạ tầng theo mô hình thành phố thông minh. Ngày 7.8.2019, Visa và Sở Giao thông vận tải TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy công nghệ thanh toán điện tử, hỗ trợ các phương thức di chuyển thông minh tại TP.HCM.
Trong thỏa thuận hợp tác này, Visa và Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự kiến hợp tác trong tăng cường chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, xây dựng hệ thống thanh toán mở và an toàn trên tất cả hệ thống giao thông ở thành phố.

Thanh toán bằng thẻ Visa đang là giải pháp của nhiều khách du lịch quốc tế

Ảnh: AFP

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đang xây dựng thẻ thanh toán điện tử tích hợp các hệ thống thu phí thông minh, áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV thí điểm nhằm đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, phù hợp với đề án đô thị thông minh. Với nỗ lực thúc đẩy thanh toán số tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, khách du lịch có thể có trải nghiệm thanh toán đơn giản và an toàn mà không cần phải mang theo tiền mặt.
Bên cạnh những nỗ lực trên, Visa cũng đang tích cực phân tích dữ liệu và nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của du khách quốc tế đến Việt Nam. Theo nghiên cứu mới nhất của Visa, khách du lịch đến từ Mỹ, Úc, Pháp, Singapore và Đức đến Việt Nam có mức chi tiêu cao. Khách Hàn Quốc và Nhật Bản thích dùng bữa tại các nhà hàng ở TP.HCM trong đó khách Trung Quốc thích đi mua sắm tại ba thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.