Trí tuệ nhân tạo giúp rút ngắn thời gian phát triển thuốc mới

09/02/2019 10:04 GMT+7

Insilico Medicine, công ty được tạp chí Forbes bầu chọn vào top 20 các hãng phát triển thuốc trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, cho hay công nghệ có thể giúp tiết kiệm hai năm nghiên cứu, phát triển dược phẩm.

Theo South China Morning Post, Insilico Medicine quyết định chuyển trụ sở chính từ Baltimore, Mỹ sang Hồng Kông vào tháng 4 tới đây. Hãng được thành lập bởi ông Alex Zhavoronkov vào năm 2014, chuyên sử dụng công nghệ AI và học sâu (deep learning) để khám phá thuốc và nghiên cứu về lão hóa. Học sâu là công nghệ máy học (machine learning), bắt chước hoạt động của não người trong việc xử lý dữ liệu.
Zhavoronkov có thành tích khá ấn tượng, với tấm bằng thạc sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Johns Hopkins, tiến sĩ vật lý từ Đại học Bang Lomonosov Moscow và là giáo sư phụ trợ tại Viện nghiên cứu về lão hóa Buck ở bang California. Ông cho rằng AI có thể giúp tăng tốc và giảm chi phí phát triển thuốc, vốn bao gồm nhiều giai đoạn như thử nghiệm lâm sàng, đợi chính phủ phê duyệt và cấp phép. Quá trình này có thể kéo dài hơn 10 năm.
“Chuyển đến Hồng Kông là bước đầu để chúng tôi đến với Trung Quốc. Tương lai cho AI là ở Trung Quốc, vì AI xoay quanh dữ liệu và Trung Quốc có nhiều dữ liệu hơn bất cứ nước nào. Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ AI nhiều hơn bất cứ nước nào. Đặc khu Hồng Kông thì có hệ thống ngân hàng và sân bay tuyệt vời, bạn có thể bay đến bất cứ đâu”, ông Zhavoronkov cho hay.
Insilico Medicine huy động được 14,5 triệu USD trong vòng tài trợ đầu tiên. Đối tác của doanh nghiệp bao gồm nhiều hãng thiết bị y tế và dược phẩm, trong đó có GSK và WuXi AppTec. Hiện hãng có 66 nhân viên, và một nửa trong số này là các nhà khoa học về công nghệ học sâu.
Insilico Medicine chuyên ứng dụng AI vào phát triển thuốc Ảnh: Insilico Medicine
Nhận xét về nhân sự chuyên mảng học sâu, ông Zhavoronkov nói: “Rất khó để tìm những người được đào tạo chuyên về thuật toán học sâu. Chỉ vài ngàn người như thế trên thế giới. Đây là lý do vì sao chúng tôi phân bổ các trung tâm nghiên cứu tại nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nga và vùng lãnh thổ Đài Loan”.
Ông nhận định ngày càng khó để tổ chức các buổi hackathon (sự kiện kéo dài nhiều ngày, cho phép mọi người hợp tác trong các dự án lập trình máy tính) về y tế. Lý do là vì nhiều nhà khoa học máy tính giỏi thường không biết sinh học hay hóa học, và họ không tham gia hackathon vì họ không có chuyên môn.
Chuyên gia này cũng nghĩ rằng quy trình phát triển thuốc hiện thời “rất không hiệu quả” và công nghệ AI có thể “tiết kiệm đến hai năm phát triển và nghiên cứu dược phẩm”. “Quy trình khám phá thuốc và phát triển dược phầm gồm nhiều giai đoạn, thường mất nhiều thập niên. Xác suất thất bại là rất cao ở mọi giai đoạn. Trong các giai đoạn tiền lâm sàng, tỷ lệ thất bại là hơn 99% và trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, tỷ lệ thất bại là khoảng 90%. AI của chúng tôi có thể được dùng trong mọi giai đoạn, đôi khi cho ra kết quả rất tốt. Nó đặc biệt giỏi trong việc tìm kiếm các mục tiêu phân tử trong nhiều bệnh cụ thể và phát hiện đặc tính hóa học mới”, ông Zhavoronkov nói.
Dù vậy, các hãng dược phẩm phương Tây còn hoài nghi về tiềm năng của AI, chưa sẵn sàng thay đổi và nâng cấp. Ngược lại, chính phủ và giới doanh nghiệp Trung Quốc thì ưu tiên đầu tư vào AI. Công nghệ rất có khả năng hưởng nhiều lợi ích và đưa ra các loại thuốc mới nhanh hơn. Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước châu Á cũng tăng đầu tư vào việc khám phá thuốc với AI.
“Nước đầu tiên và tích cực nhất là Hàn Quốc. Họ đổ hơn 1 tỉ USD vào các hãng thuốc AI. Rất nhiều sự cạnh tranh đến từ Hàn Quốc. Singapore cũng hoạt động mạnh trong lĩnh vực này. Đài Loan khởi động chậm hơn nhưng cũng đang tiến vào mảng này”, Zhavoronkov chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.