Úc nói gì về lệnh cấm Huawei, ZTE?

31/10/2018 14:38 GMT+7

Giám đốc cơ quan gián điệp Úc vừa nhắc về lệnh cấm hai hãng Trung Quốc là ZTE và Huawei, xem hai cái tên này là “nhà cung ứng có rủi ro cao”.

Theo South China Morning Post, ông Mike Burgess, tổng giám đốc cơ quan Australian Signals Directorate (ASD) của Úc vừa giải thích lý do vì sao Huawei Technologies và ZTE không được phép xây dựng mạng 5G ở Úc. Ông cho hay nếu “thiết bị của nhà cung ứng có rủi ro cao” được sử dụng mọi nơi trong mạng lưới 5G đang phát triển của Úc, hệ thống truyền thông tương lai (hậu thuẫn cho nguồn cung nước, lưới điện, hệ thống y tế và ô tô tự hành) sẽ không được bảo vệ.
“Những gì bị đặt trước rủi ro không thể cao hơn. Từ đó đến nay, chúng tôi bảo vệ thông tin và chức năng nhạy cảm ở cốt lõi mạng viễn thông của chúng tôi bằng cách giới hạn các nhà cung ứng có nguy cơ cao ra ngoài rìa mạng lưới. Có sự khác biệt trong sự sụp đổ giữa phần lõi và phần rìa mạng lưới 5G. Một mối đe dọa tiềm ẩn ở bất kỳ chỗ nào trong mạng lưới cũng có thể đe dọa toàn bộ mạng lưới”, ông Burgess cho hay.
Sếp gián điệp Úc nhận định như trên tại bữa ăn tối an ninh quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) hôm 29.10. Hồi tháng 8, chính phủ Úc quyết định cấm Huawei và ZTE cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G của nước này, cho hay đây là động thái cần thiết để bảo vệ an ninh. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết lệnh cấm không đặt mục tiêu cụ thể vào hai hãng Đại lục, mà áp dụng cho bất cứ doanh nghiệp nào có nghĩa vụ xung đột với an ninh quốc gia Úc.
Quyết định cấm Huawei và ZTE của Úc khiến Bắc Kinh nổi giận, thổi bùng trận chiến PR về độ tin cậy của hai doanh nghiệp. Cả hai hãng đều nhận hậu thuẫn từ nhà nước Trung Quốc và là hai công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới. Huawei được một nhà nghiên cứu thuộc quân đội Trung Quốc thành lập, còn ZTE thì bị Quốc hội Mỹ cáo buộc là công cụ cho tình báo Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc phản ứng trước tin Huawei, ZTE bị Úc cấm: “Chính phủ Úc đưa ra quyết định sai lầm và việc này sẽ có tác động tiêu cực đến lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc và Úc”.
Trong bữa tối của ASPI, ông Burgess còn cho biết quyền lực chiến lược và kinh tế đang đi về hướng đông, và nền kinh tế thế giới đã thay đổi. Đây là điểm đem lại cơ hội cho Úc, song cũng thay đổi cơ sở hạ tầng mà Úc dựa vào. “Chúng ta cần sáng suốt trước các mối đe dọa tiềm năng”, ông Burgess nói.
Hôm 30.10, ASPI cáo buộc quân đội Trung Quốc gửi 2.500 nhà khoa học và kỹ sư ra nước ngoài để làm việc trong các dự án có tính nhạy cảm, sau đó có ý quay lại làm việc trực tiếp cho quân đội nhà. Nhà nghiên cứu Alex Joske phát hiện ít nhất 300 nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã đến Úc làm nghiên cứu sinh hoặc học giả du học. Họ làm việc trong các lĩnh vực như xử lý tín hiệu, radar, hệ thống nổ và định vị, xe tự hành và phá mã code.
Úc là một phần của liên minh tình báo “Five Eyes” cùng Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Các nước này hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin nhạy cảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.